Thời gian gần đây, tại khu vực phía bắc, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá có chiều hướng gia tăng, diễn ra chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng. Phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu đã thay đổi so với năm trước, nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Trên tuyến đường bộ, các đối tượng vận chuyển với quy mô nhỏ lẻ, dùng xe máy làm phương tiện vận chuyển, khi bị phát hiện thì bỏ lại hàng để tẩu thoát. Trên tuyến đường biển, đối tượng thường dùng xuồng cao tốc để vận chuyển hàng lậu dọc theo bờ biển kéo dài - nơi có nhiều bến bãi để tập kết và bốc hàng. Trên tuyến đường hàng không, đối tượng chủ yếu là khách nhập cảnh trên một số chuyến bay từ Xin-ga-po, Nga, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Pháp... lợi dụng sự thông thoáng của chính sách xuất khẩu, nhập khẩu và việc thông quan tự động để thực hiện hành vi buôn lậu.
Mới đây, Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) nhận được tin báo về một số người lạ mặt tập kết hàng hóa nhập khẩu trái phép để chờ xe chuyển về nội địa tiêu thụ. Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ chạy, để lại số hàng hóa không có chứng từ hợp pháp, gồm 7.000 bao thuốc lá ngoại, trị giá hơn 100 triệu đồng... Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ vi phạm bị bắt giữ tại địa điểm nóng về buôn lậu thuốc lá của khu vực miền trung. Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết, đối tượng buôn lậu chủ yếu là người dân tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Họ thường dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc theo sông Sê Pôn, lợi dụng trời tối, địa hình phức tạp đưa thuốc lá vào tập kết trong Khu thương mại Lao Bảo và chia nhỏ, xé lẻ hàng cất giấu trong các phương tiện xe khách, xe tải đã gia cố hầm, vách hoặc thuê người gùi cõng qua đường mòn hai bên cánh gà Trạm kiểm soát cổng B, chờ cơ hội đưa vào trong nước. Đáng chú ý, xuất hiện thủ đoạn đối tượng buôn lậu móc nối với doanh nghiệp, kết hợp tinh vi giữa hành vi buôn lậu với hoạt động xuất, nhập khẩu.
Sau khi các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp phòng, chống buôn lậu, số vụ vi phạm tại tuyến biên giới tây nam tuy giảm, nhưng diễn biến phức tạp, xảy ra với quy mô ngày càng lớn tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Gia Lai, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh. Đối tượng buôn lậu thường là cư dân địa phương, cư dân biên giới bị lôi kéo và cả đối tượng coi buôn lậu là "nghề" để mưu sinh. Những tháng cuối năm, hành khách thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh, một số lái xe và nhân viên phục vụ trên các xe buýt liên vận Việt Nam - Cam-pu-chia, lái xe công-ten-nơ, xe phi thương mại thường xuyên qua lại cửa khẩu, nhân viên phục vụ tại sòng bạc, trường gà, vũ trường phía nước bạn, cũng là đối tượng cần được giám sát chặt chẽ.
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đối tượng buôn lậu thời điểm này hoạt động không theo quy luật, không tập trung, tập kết hàng lậu tại một điểm, mà phân tán nhỏ lẻ để thực hiện vận chuyển làm nhiều lượt chuyến. Lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ, giờ nghỉ của các lực lượng chức năng, đối tượng thuê người gùi cõng hàng qua biên giới hoặc sử dụng xe máy, xe tải, xe khách, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao... vận chuyển qua dọc bờ sông, đường biển và đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà khu vực cửa khẩu, ngụy trang tập kết hàng trong rừng hay những địa điểm quy ước, thừa cơ hội thuận lợi vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển được tổ chức chặt chẽ, luôn thay đổi tuyến đường khi có lực lượng chống buôn lậu tổ chức ngăn chặn. Trước và trong khi vận chuyển, đối tượng tổ chức dò, canh đường rất kỹ và thường xuyên tổ chức giám sát chặt mọi hoạt động của lực lượng chức năng, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bị mai phục thì lập tức thông báo cho nhau. Bên cạnh đó, khi bị truy đuổi thì tìm mọi cách cản đường để thoát thân. Trường hợp bị bắt giữ, đối tượng huy động lực lượng gây rối, nhanh chóng giật lại hàng lậu.
Những tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành tăng cường thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm, sàng lọc đối tượng đưa vào diện quản lý, xác lập chuyên án đấu tranh hiệu quả, kiên quyết phối hợp xử lý triệt để đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ở khu vực biên giới và thị trường trong nước. Nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng, kéo dài, người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, để đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá có chiều sâu, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là rất cần thiết. Tổng cục Hải quan kiến nghị cần xây dựng chế tài xử lý các đối tượng canh đường để báo tin cho đối tượng buôn lậu, bởi thực chất đối tượng này cũng tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hơn nữa, xe gắn máy chở hàng lậu bị bắt giữ mà không có giấy tờ hợp lệ, cần cho phá dỡ kết cấu xe, bán phế liệu. Nếu bán đấu giá xe, đối tượng lại tìm cách mua lại và tiếp tục sử dụng để chở hàng lậu, trong khi các xe đó đều được đối tượng "độ" lại, không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; số tiền thu được từ bán đấu giá cũng rất ít, không đủ trả phí giám định và phí xác minh nguồn gốc xe. Bên cạnh đó, sớm có hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất việc xử lý thuốc lá nhập lậu còn vướng mắc do xung đột pháp lý trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đồng thời, giữ lại quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển từ 500 bao thuốc lá để tránh gia tăng và làm tình hình buôn lậu thêm phức tạp. Việc tăng mức xử phạt hành chính bằng tiền như quy định hiện hành không khả thi, do người buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu phần lớn là người nghèo không có khả năng nộp phạt.