Gỡ khó để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sau ba năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo, đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức cần tìm ra giải pháp tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00

Thành phố đang chịu áp lực từ việc tăng dân số cơ học, với mỗi năm tăng khoảng 40.000 học sinh. Mặc dù thành phố luôn dành ưu tiên đầu tư cho giáo dục, có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới trường lớp nhưng chuẩn bị hạ tầng giáo dục bảo đảm cho học sinh vẫn là "gánh nặng" mỗi khi bước vào năm học mới.

Để giải quyết vấn đề này, trung bình mỗi năm thành phố xây thêm khoảng 1.000 phòng học, có năm xây 1.500 phòng học, nhưng con số này chỉ đủ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng thêm mỗi năm, chứ chưa giảm nhiều sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày. Một số quận như Quận 12, quận Tân Phú, quận Bình Tân… có tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày dưới 50%.

Tính theo từng bậc học, đến nay, tỷ lệ học hai buổi/ngày trên địa bàn thành phố đối với bậc tiểu học đạt hơn 74% (theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học thực hiện dạy học hai buổi/ngày); trung học cơ sở thì đạt 63,2%, trung học phổ thông hơn 95%.

Ngoài khó khăn về cơ sở trường lớp, việc phát triển, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là vấn đề nan giải của ngành giáo dục-đào tạo thành phố.

Khách quan nhìn nhận, đội ngũ giáo viên của thành phố chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử-địa lý) và hoạt động giáo dục mới (hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo chương trình đổi mới giáo dục.

Nguyên nhân là do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, còn giảng dạy các môn tổ hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chưa được đào tạo chính quy. Mặc dù được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy các môn tích hợp.

Một thực trạng khác cần sớm giải quyết việc tuyển dụng giáo viên ở một số bộ môn gặp rất nhiều khó khăn, số ứng viên thường thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, đôi khi không có giáo viên đăng ký dự tuyển. Điều này dẫn đến nhiều trường ở thành phố thiếu giáo viên, ảnh hưởng việc triển khai chương trình đổi mới giáo dục, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học-công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục.

Chỉ tính riêng ở bậc tiểu học, trong năm học 2022-2023, toàn thành phố còn thiếu 3.643 giáo viên. Số giáo viên thiếu tương đương 12,8% số giáo viên cần có ở bậc tiểu học. Điều này đồng nghĩa, mỗi giáo viên bậc tiểu học hiện nay phải "gồng gánh" công việc lớn hơn so với công việc thực tế mà họ chỉ phải đảm nhận.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thành phố khó tuyển giáo viên ở một số bộ môn là thu nhập giáo viên mới ra trường còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống ở một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ có giá cả sinh hoạt cao so với cả nước.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên không chỉ xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh mà các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Trước những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy hai buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này.

Đồng thời, các ban, ngành cần bổ sung thêm các chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thủ tục hành chính… để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để có chính sách nâng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo và nhân viên ngành giáo dục...