Ô-tô được chạy tối đa 120km/giờ trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

NDO - Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây để phương tiện lưu thông ngay sau khi khánh thành vào ngày mai, 29/4. Dự án có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng khẩn cấp, cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 120km/giờ và tối thiểu 60km/giờ.
0:00 / 0:00
0:00
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ khánh thành, đưa vào khai thác từ ngày mai, 29/4.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ khánh thành, đưa vào khai thác từ ngày mai, 29/4.

Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ; xe máy, xe mô-tô hai bánh; máy kéo, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có tổng mức đầu tư là 12.577,5 tỷ đồng; chiều dài tuyến khoảng 99km đi qua các tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1A khoảng 2,6km.

Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách Quốc lộ 1 khoảng 2,6km), tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (theo lý trình dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây) thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Ô-tô được chạy tối đa 120km/giờ trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây ảnh 1

Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành-Dầu Giây, nút giao Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Dự kiến, sẽ bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông vận tải đã giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; cũng như từ bắc vào nam.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa