Tuyến chính cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có dài 99km, nối liền 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Đây là công trình có quy mô cấp đặc biệt, vận tốc thiết kế 120km/giờ, 4 làn xe, chiều rộng mặt đường (phân kỳ) 23,5m. Dự án có 6 nút giao khác mức, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc, 47 cầu vượt); tổng mức đầu tư gần 12.577,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư.
Thời điểm này, ô-tô có thể chạy liền mạch xuyên suốt toàn tuyến. Trên công trường, hàng chục mũi thi công vẫn đang tăng tốc thảm bê-tông nhựa mặt đường những vị trí cuối cùng, lắp dải phân cách, hộ lan,... Tại vị trí nút giao kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, nhà thầu đã thảm xong bê-tông nhựa phần mặt đường tại nhánh cầu vượt hướng Đồng Nai đi Phan Thiết.
Công trường đồi Km32 thuộc gói thầu XL02, hơn 1 tháng trước còn ngổn ngang, hiện nay nhà thầu đã hoàn thành nổ mìn phá đá, đang tăng tốc thảm nhựa, nhiều đoạn đã lắp dải phân cách hoàn chỉnh.
Ông Trần Viết Lai, Phó Giám đốc điều hành gói thầu XL02 (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành) cho biết: "Đoạn tuyến Km30-Km32 trước đây là đường găng của gói thầu do vướng đường điện, ngay sau khi giải quyết được, nhà thầu đã huy động toàn lực để thảm nhựa, bảo đảm tiến độ thông xe kỹ thuật”.
Giải quyết các đường găng trên tuyến. |
Tại gói thầu XL03, các đường găng nút giao Quốc lộ 1 đã giải quyết xong, đơn vị thi công bố trí trên công trường nhiều mũi thi công thi công 3 ca trải dài hơn 35km theo tuyến qua các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc. Hàng chục xe lu vẫn cần mẫn thi công không nghỉ trong dịp Tết Dương lịch.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 (Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex) phấn khởi: "Một tháng trước, nút giao Quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc thi công chậm, khó khăn do vừa làm vừa phải bảo đảm giao thông. Vinaconex tập trung dồn mọi nguồn lực cho các mũi thi công tại Km73, Km74, luôn duy trì 2 dây chuyền thảm nhựa thi công cuốn chiếu”.
Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình triển khai, tiến độ dự án này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các yếu tố khách quan như dịch Covid-19 bùng phát, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, vật liệu phục vụ thi công dự án trong khoảng nửa năm. Ngoài ra, một yếu tố bất lợi khác là mùa mưa năm 2021-2022 đến sớm và kết thúc muộn hơn so cùng kỳ các năm trước. “Tổng số ngày mưa trong thời gian 2 năm thi công dự án lên tới 305 ngày (năm 2021 có 155 ngày; năm 2022 là 150 ngày. Nhiều thời điểm mưa lớn liên tục kéo dài, nhà thầu phải đóng máy nghỉ, dừng thi công tới nửa tháng”, ông Thái cho biết.
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu đất đắp tuy đã được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời, chấp thuận cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cung cấp đất đắp, tuy nhiên hầu hết các gói thầu đều gặp khó khăn về nguồn vật liệu; biến động đột biến của giá nhiên liệu vật liệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực tài chính của nhà thầu.
Thi công xuyên Tết cao tốc Dầu Giây. |
Sau khi Bộ Giao thông vận tải phát động thi đua 120 ngày đêm, các nhà thầu đã quyết tâm dồn mọi nguồn lực thi công bù đắp tiến độ bị chậm, huy động bổ sung thêm 100 nhân lực, 200 máy thi công các loại, hơn 200 xe vận chuyển các loại, 4 trạm trộn bê-tông xi-măng phục vụ thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi-măng, 3 trạm bê-tông nhựa, tổ chức thêm 20 dây chuyền thi công nền đường, 10 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm, bê-tông xi-măng,…
Ông Đặng Hùng Thái nhẩm tính, đến hết ngày 2/1, toàn tuyến đã thảm xong bê-tông mặt đường gần 90km, đạt khoảng 92%, lắp khoảng 70 km dải phân cách. Trừ một số vị trí đang tiếp tục hoàn thành thảm nhựa, thời điểm hiện tại, ô-tô có thể chạy với tốc độ cao trên toàn tuyến chính, hoàn thành đúng kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.