Chương trình OCOP, động lực phát triển kinh tế tại Thái Bình

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thái Bình có những dấu ấn nhất định, từ đó nâng cao giá trị nhiều sản phẩm, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Tuy nhiên, đến nay số lượng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao tại địa bàn còn khá ít, do đó chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế cũng như hiệu quả kinh tế từ Chương trình này đem lại.
0:00 / 0:00
0:00
Ðóng gói sản phẩm trà thảo dược tại Công ty cổ phần Ðầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu Thái Hưng.
Ðóng gói sản phẩm trà thảo dược tại Công ty cổ phần Ðầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu Thái Hưng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Phương Nam cho biết: "Sau hơn ba năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực. Ðến nay, trên địa bàn có 64 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao. Ðây là các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của địa phương với mục tiêu nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ðể Chương trình OCOP được triển khai tốt, các chủ thể và sản phẩm tham gia được hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, thành lập tổ chức, liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, quản lý chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Từ thực hiện Chương trình OCOP giúp chuỗi liên kết giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín ở các khâu: nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu như: VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học... Nhờ đạt tiêu chí OCOP, giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên 20%. Hơn nữa, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn cho nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% đến 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%".

Theo đánh giá, áp lực cạnh tranh đã khiến các chủ thể thực hiện OCOP phải luôn tư duy, đổi mới, sáng tạo cải tiến, hoàn thiện hay phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng và nhu cầu mua các sản phẩm truyền thống, đặc sản và sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống vùng quê, làng nghề truyền thống tăng cao... là điều kiện thúc đẩy các sản phẩm OCOP phát triển.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, Nguyễn Hồng Long chia sẻ: "Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao. Các sản phẩm khi được công nhận đạt 3 sao đến 4 sao giúp nâng cao hiệu quả kinh tế do thị trường tiêu thụ được mở rộng, người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung và tiềm năng, thì số sản phẩm được công nhận vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Nguyên nhân là do nhận thức của các chủ thể trong vấn đề phát triển sản phẩm; việc tiếp cận thông tin để phát triển các sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, trên địa bàn một số sản phẩm có truyền thống, ưu điểm nhưng sản xuất nhỏ lẻ cho nên khi đưa ra thị trường gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, khi tham gia vào OCOP nhiều chủ thể, sản phẩm chưa bảo đảm được các yếu tố, điều kiện, vì vậy chưa thể phát triển sâu rộng".

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung và tiềm năng, thì số sản phẩm được công nhận vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Nguyên nhân là do nhận thức của các chủ thể trong vấn đề phát triển sản phẩm; việc tiếp cận thông tin để phát triển các sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, Nguyễn Hồng Long

Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Ðầu tư, thương mại, xuất, nhập khẩu Thái Hưng huyện Quỳnh Phụ, Vũ Văn Hiếu cho biết, công ty đi vào hoạt động từ năm 2013. Ðến nay, công ty đang sản xuất hơn 12 sản phẩm trà, 8 sản phẩm hóa mỹ phẩm… được làm từ thảo dược. Hiện nay, công ty có ba sản phẩm là: trà cà gai leo, trà thìa canh, trà đinh lăng được công nhận đạt 4 sao. Sau khi được công nhận đạt sao, các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, khách hàng tin tưởng hơn khi sử dụng.

Với phương châm, Chương trình OCOP giúp kinh tế khu vực nông thôn phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn theo hướng đổi mới, sáng tạo, tập trung liên kết, phát huy nội lực do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện. Các sản phẩm tạo ra từ OCOP có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng của tỉnh tạo nên lợi thế cạnh tranh nhằm chiếm ưu thế khi ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó, phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn. Qua đó giúp nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ðể thực hiện tốt Chương trình OCOP, thời gian tới tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm thông qua truyền thông, thương mại trực tuyến, các hội chợ… Ðồng thời hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới và nâng cấp sản phẩm đã được phân hạng…