OCOP góp phần nâng cao giá trị nông sản Hậu Giang

Năm 2022 đánh dấu sức lan tỏa tích cực từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Hậu Giang, khi có đến 70 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm được công nhận sau 5 năm triển khai lên 175 sản phẩm OCOP.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Hậu Giang có 70 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Năm 2022, Hậu Giang có 70 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Lợi thế của Hậu Giang là ngành nông nghiệp có nền tảng phát triển và định hướng rất rõ ràng, cụ thể là những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng địa phương, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP. Các sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP của tỉnh, như: Lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, khóm (dứa) Cầu Đúc, xoài, mít, bưởi, cá thát lát…, đều là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng được tỉnh chọn để đưa vào quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, 175 sản phẩm OCOP được công nhận (68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao) của 82 chủ thể là người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp đều thể hiện được sự thay đổi tư duy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp.

Lợi thế của Hậu Giang là ngành nông nghiệp có nền tảng phát triển và định hướng rất rõ ràng, cụ thể là những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng địa phương, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Bước đầu các chủ thể đã chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”.

Điển hình như HTX Tân Long (đơn vị đang có sản phẩm mang thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh), ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Nếu như trước đây, người tiêu dùng và doanh nghiệp, thậm chí nhiều đơn vị trong tỉnh chưa biết đến sản phẩm gạo của HTX Tân Long thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” sản xuất bằng quy trình canh tác lúa hữu cơ đã và đang vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, cho biết: Sau khi sản phẩm gạo sạch của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, người tiêu dùng biết đến quy trình tạo ra sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đã có một số công ty ở Hà Nội đặt hàng làm đại lý phân phối gạo sạch cho HTX. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng thường xuyên liên hệ HTX để tìm đến mua sản phẩm.

Ban đầu, mỗi tháng HTX chỉ tiêu thụ khoảng 5-6 tấn gạo sạch, thì nay số lượng đã tăng lên hơn 50 tấn gạo, đồng thời giá trị sản phẩm cũng tăng gấp 1,5-2 lần so với gạo thông thường.

Với nhu cầu thị trường đang tăng dần, ngoài việc tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ cho các thành viên, HTX Tân Long còn liên kết và bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ cho nông dân bên ngoài, diện tích khoảng 1.200ha.

Ông Huỳnh Văn Đà, Phó Giám đốc HTX Nhật Quang Nông, ở ấp 6, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cho hay: “Liên kết sản xuất lúa hữu cơ với HTX Tân Long trong vụ lúa đông xuân vừa qua, HTX có 23 thành viên đăng ký thực hiện mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Khi áp dụng mô hình, bà con không chỉ được ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ hỗ trợ 50% tiền phân bón mà còn tiết giảm được 4,5-5 triệu đồng/ha chi phí đầu tư, đồng thời được HTX Tân Long thu mua lúa với giá cao hơn 500 đồng/kg so với hộ ngoài mô hình”.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hằng năm, tỉnh đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản khi được công nhận OCOP cấp tỉnh đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đã giúp cho sản phẩm OCOP của Hậu Giang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom… Đáng chú ý, hiện tỉnh có ba điểm bán hàng trực tiếp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).

Các sản phẩm nông sản khi được công nhận OCOP cấp tỉnh đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Một số sản phẩm OCOP của Hậu Giang còn được xuất ngoại. Điển hình như một số sản phẩm trái cây (chanh không hạt, bưởi da xanh, bưởi năm roi) của HTX trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ, thị trường châu Âu (gồm các nước Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…).

Bình quân sản lượng nông sản của HTX được tiêu thụ tại thị trường nước ngoài đạt hơn 2.500 tấn/năm. Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã, đang xuất qua thị trường quốc tế như EU, Hồng Công (Trung Quốc) và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên: Sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, giúp gia tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

“Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP; cũng như có chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm khởi nghiệp (trong 175 sản phẩm đạt chuẩn OCOP có 35 sản phẩm khởi nghiệp), nhằm tạo động lực, khơi nguồn sáng tạo trong phát triển sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến; tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó quan tâm hơn nữa việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử để tăng tính quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân”, ông Tuyên cho biết thêm.