Hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở

NDO - Sau khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở đã kiến nghị đến cấp chính quyền những giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đồng bộ hệ thống pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước đang gặp vướng mắc về thủ tục.
Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước đang gặp vướng mắc về thủ tục.

Gian nan thủ tục hành chính

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group) xác nhận, đơn vị đã kiến nghị đến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ những bất cập trong giải quyết thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo doanh nghiệp này, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương đang có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về xử lý hồ sơ pháp lý cho doanh nghiệp. Các cơ quan tham mưu có tình trạng né tránh, đùn đẩy nên hồ sơ của doanh nghiệp đi lòng vòng, thời gian xử lý kéo dài, gây ách tắc về thủ tục, dẫn đến doanh nghiệp không thể hoàn thiện pháp lý dự án, làm tăng chi phí, mất uy tín đối với khách hàng.

Điển hình, tại hai khu đất 31ha và 14,4ha của DIC Group thuộc Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, có hạ tầng kết nối, đủ điều kiện để góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay đã hơn hai năm trôi qua nhưng hồ sơ xin góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án của DIC Group vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì sự chậm trễ này đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo DIC Group, đây là thí dụ điển hình tại rất nhiều doanh nghiệp bất động sản: doanh nghiệp có đất, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưng không thể chuyển nhượng, góp vốn dẫn đến không có nguồn thu, bị mất cân đối tài chính...

Cũng theo phản ánh của DIC Group, hiện nay mặc dù pháp luật đã quy định rõ các thủ tục hành chính, các mẫu văn bản đính kèm, tuy nhiên các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa tuân thủ, ban hành văn bản không đúng hình thức, thiếu nội dung, sử dụng từ ngữ gây khó hiểu và khó áp dụng dẫn đến khi thực hiện các thủ tục tiếp theo bị vướng, không thể triển khai. Mặt khác, “tư duy nhiệm kỳ” cũng đã cản trở việc thực hiện các thủ tục pháp lý do cán bộ nhiệm kỳ sau không thể kế thừa các hồ sơ đã giải quyết trước đây mà tiếp tục yêu cầu rà soát, thanh kiểm tra gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đơn cử, theo quy định của pháp luật đầu tư, sau khi cơ quan chức năng tổ chức thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án thì người có thẩm quyền phải ban hành Quyết định hoặc Văn bản chủ trương đầu tư dự án với đầy đủ các nội dung như: quy mô dự án, tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện… Tuy nhiên, rất nhiều dự án hiện nay được các cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư nhưng lại rất chung chung, thiếu các nội dung chi tiết theo biểu mẫu, dẫn đến các cơ quan cấp dưới không có đủ thông tin để thực hiện công tác giám sát quá trình triển khai dự án.

Tương tự, mới đây lãnh đạo Công ty TNHH Gotec Việt Nam đã có đơn gửi Thủ tướng và các cơ quan truyền thông “tố” Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh làm khó dễ, làm sai luật khiến doanh nghiệp bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp ở đường Bến Nghé (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Dù đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đã thi công hoàn thành xong phần móng, hầm và tầng 1 để đủ điều kiện để được bán. Dù vậy, từ ngày 24/6/2022 đến nay công ty đã nộp hồ sơ nhiều lần đề nghị Sở Xây dựng cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại hình thành trong tương lai nhưng Sở Xây dựng không giải quyết.

Trước đó, ông Dương Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Anh Tuấn cũng bức xúc phản ánh lên lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vì bị các sở ngành “đá bóng trách nhiệm” trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Theo ông Tú, từ ngày 27/12/2017, Công ty Anh Tuấn đã nộp hồ sơ xin được đóng tiền sử dụng đất và được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án Lotus Residence (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng đã hơn 5 năm trôi qua vẫn không có kết quả giải quyết, khiến thời gian xây dựng dự án kéo dài (kể từ ngày có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư) nhưng chưa xây dựng xong.

Hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở ảnh 1

Dự án khu nhà ở Lam Hạ Center Point.

Doanh nghiệp chỉ mong hỗ trợ thủ tục

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhà ở hiện nay là gặp vướng mắc về pháp lý dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Có sự né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám ký khiến kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, kể cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm); thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, trước sức ép sống còn, các doanh nghiệp hiện nay buộc phải lựa chọn phương án “đối đầu” với cơ quan chức năng như khiếu nại thậm chí tố cáo, khởi kiện trước các việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính hoặc các hành vi khác mà doanh nghiệp cho rằng đang gây khó khăn cho mình. Đây là giải pháp cuối cùng mà doanh nghiệp phải chọn dù không doanh nghiệp nào muốn làm vậy.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành - một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà giá thấp nhiều lần bức xúc phản ánh, một dự án nhà ở thương mại mất từ 4-5 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý, còn riêng dự án nhà ở xã hội thì quy trình có thể kéo dài, thậm chí có dự án đến gần 10 năm khiến doanh nghiệp nản lòng.

Để rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục pháp lý, DIC Group kiến nghị Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 300ha (quy mô này tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh) hoặc trên 300ha mà dân số dưới 50.000 người.

Ngoài ra, DIC Group cũng đề xuất giảm bớt các điều kiện pháp lý để huy động vốn, mở bán đối với các sản phẩm bất động sản; đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép các tổ chức tín dụng được giải ngân nguồn vốn tín dụng để phục vụ công tác bồi thường giải phóng cho các doanh nghiệp đã có đầy đủ pháp lý về đầu tư; đồng thời, doanh nghiệp phải bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định.

Ông Châu kiến nghị, đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất thì Bộ Xây dựng cần ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị, xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nếu có một bộ quy chuẩn để các cơ quan chức năng cứ thế nhìn vào mà làm thì không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn tốt, an toàn cho cả cán bộ công chức, những người hiện nay đang rất sợ trình, sợ ký.