Cơ cấu lại phân khúc sản phẩm bất động sản

Trong khoảng hai, ba năm trở lại đây, các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện xây dựng, mở bán rất ít. Nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Hà Nội thấp và phần lớn từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ những năm trước.
0:00 / 0:00
0:00

Hiện, trên địa bàn thành phố chỉ có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai, trong đó có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng hơn 221.500 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với hơn 10.230 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Nguồn cung bất động sản thông qua các dự án nhà ở năm 2022 giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng.

Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung, giá bất động sản tăng do giá đền bù giải phóng mặt bằng, cho thuê đất bị điều chỉnh và nhiều yếu tố đầu vào như xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng giá. Bên cạnh đó, các ngân hàng “siết” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tăng lãi suất, đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Người dân khó tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn.

Thị trường rất thiếu các căn hộ có giá trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng/m2, diện tích khoảng 70m2, trong khi lại dư thừa bất động sản có giá trị lớn như biệt thự, chung cư cao cấp. Giao dịch bất động sản trên thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng và lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường chủ yếu tại các dự án nhà ở thuộc các huyện ven đô. Theo đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, vướng mắc về pháp lý dẫn đến khả năng phát triển các dự án mới rất khó khăn do cơ chế đầu tư, nhất là hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại thời gian kéo dài và khó thu hồi đất.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản, giúp người dân Thủ đô có nhiều cơ hội mua nhà, cải thiện chỗ ở, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các chủ đầu tư thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, xử lý chủ đầu tư cố tình “ôm đất”, chủ đầu tư sai phạm.

Đặc biệt, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị. Kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc sản phẩm phù hợp nhu cầu thực tế của thị trường. Có chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp.