Khu vực Sahel, vùng đất khô cằn phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, nhiều năm qua đã trở thành điểm nóng bạo lực, khi các nhóm vũ trang thánh chiến, nhóm Nhà nước Hồi giáo Đại Sahara (EIGS) và liên minh thánh chiến lớn nhất của Sahel, nhóm GSIM liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda gia tăng hoạt động tại đây. Mali, quốc gia có 21 triệu dân nằm hoàn toàn trong lục địa ở Tây Phi, đã phải vật lộn để trấn áp cuộc nổi dậy thánh chiến tàn bạo nổi lên từ hồi năm 2012.
Xung đột ở Mali đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, khiến hàng nghìn binh sĩ cũng như dân thường thiệt mạng và hai triệu người trên toàn khu vực Sahel phải di dời. Pháp đã triển khai lực lượng đến Mali năm 2013 nhưng chưa đạt được mục tiêu đẩy lui hoàn toàn lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực. Quân đội Mali, cũng như quân đội của Pháp, châu Âu và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được triển khai tới khu vực.
Từ năm ngoái, Pháp đã bắt đầu rút quân khỏi Sahel, đóng cửa các căn cứ ở miền bắc Mali. Nước này vẫn duy trì khoảng 4.300 binh sĩ trong khu vực, trong đó có 2.400-2.500 quân ở Mali. Trong khi đó, các lực lượng Takuba của châu Âu do Paris đứng đầu có khoảng 600-900 quân, trong đó 40% là đến từ Pháp và bao gồm các nhóm quân y và hậu cần, số binh sĩ còn lại đến từ hơn 10 nước EU. Tuy nhiên, theo yêu cầu chính quyền quân sự hiện đang nắm quyền kiểm soát Mali, Pháp và các nước châu Âu đã tuyên bố rút các binh sĩ khỏi quốc gia Tây Phi này.
Sau gần 10 năm tham chiến ở Tây Phi, các lực lượng của Pháp và châu Âu vẫn chưa thể trấn áp được các nhóm vũ trang ở khu vực. Quân đội các nước Tây Phi vốn chưa thật sự vững mạnh lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Điều này gây lo ngại việc các lực lượng của Pháp và châu Âu rút đi càng làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Theo kế hoạch, 2.400 binh sĩ Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ được rút dần. Các căn cứ quân sự Pháp tại Mali gồm Gossi, Menaka và Gao cũng sẽ đóng cửa.
Các cuộc tấn công thánh chiến đã tàn phá Mali, Niger và Burkina Faso kể từ năm 2015 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các nhóm thánh chiến thường băng qua các vùng biên giới kiểm soát lỏng lẻo, quấy nhiễu các lực lượng địa phương và quốc tế-vốn đã chi hàng tỷ USD nhằm loại bỏ mối đe dọa khủng bố. Các tay súng Hồi giáo đang ẩn náu rải rác trên những khu vực rộng lớn của Sahel là mối đe dọa tiềm ẩn cho an ninh khu vực. Các chuyên gia cho biết, lực lượng nổi dậy đã xâm nhập các quốc gia ven biển, trong đó có Benin và Côte d’Ivoire. Điều này cũng đe dọa các chiến dịch an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược của Côte d’Ivoire và Senegal.
Tổng thống Côte d’Ivoire lo ngại, việc rút lực lượng Barkhane của Pháp cùng lực lượng Takuba của châu Âu khỏi Sahel sẽ buộc các nước trong khu vực phải tăng cường năng lực quốc phòng và bảo vệ khu vực biên giới bất ổn. Trong những năm qua, lực lượng Takuba đã đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến và cũng là lực lượng nòng cốt trong chiến lược của Pháp tại khu vực Sahel.
Lo ngại những thay đổi về bố trí lực lượng của phương Tây ở Tây Phi và những diễn biến gần đây sau khi các đồng minh châu Âu đang chuẩn bị thoái lui khỏi khu vực này, Mỹ đã bắt đầu khởi động chương trình huấn luyện chống khủng bố hằng năm cho các lực lượng châu Phi tại Côte d’Ivoire. Chương trình huấn luyện, mang tên Flintlock, quy tụ hơn 400 binh sĩ từ các nước Tây Phi nhằm nâng cao kỹ năng của các lực lượng vốn thường xuyên bị các nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tấn công.
Giới chuyên gia lo ngại làn sóng bạo lực tại các nước Tây Phi sẽ kéo theo các cuộc di cư bất hợp pháp của người dân sang châu Âu, để lại những hệ lụy nặng nề và ảnh hưởng tới an ninh của “Lục địa già”. Bởi thế, cho dù các nước phương Tây đang rút dần lực lượng khỏi Tây Phi, nhưng vẫn nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại Sahel, khu vực vốn gắn liền với lợi ích của phương Tây.