Trong bối cảnh an ninh châu Phi luôn gắn với sự ổn định ở châu Âu, việc hỗ trợ, đào tạo giúp tăng cường năng lực chống khủng bố cho các nước châu Phi luôn là một trong những trọng tâm hợp tác an ninh của ``lục địa già" với châu Phi.
Trong giai đoạn 2022-2024, EU tiếp tục cung cấp hỗ trợ các hoạt động hòa bình do châu Phi lãnh đạo để phản ứng nhanh chóng với các diễn biến an ninh liên quan trên lục địa châu Phi. Sự hỗ trợ này phù hợp với cam kết của EU trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương và vai trò chủ chốt của AU đối với hòa bình và an ninh "lục địa đen". Ðiều đó tạo thành một phần quan trọng trong hợp tác đổi mới và tăng cường của hai liên minh vì hòa bình và an ninh, như đã được công bố trong Tuyên bố Hội nghị cấp cao AU-EU gần đây.
Trong nỗ lực hỗ trợ các nước châu Phi đối phó mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến, các nước châu Âu, nhất là Pháp, đã triển khai lực lượng tới khu vực Tây Phi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc rút lực lượng đặc biệt của châu Âu khỏi Mali mới đây đặt ra một số thách thức đối với cuộc chiến chống các phần tử có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực. Vì thế, hiện có nhiều cuộc thảo luận về việc tái triển khai lực lượng này nhằm bảo vệ các quốc gia khác ở khu vực Sahel của châu Phi cũng như các quốc gia giáp Vịnh Guinea như Benin, Ghana và Côte d’Ivoire. Ðây đều là những nước đang phải hứng chịu làn sóng tấn công của các phần tử nổi dậy trong nhiều tháng gần đây và có thể cân nhắc tiếp nhận lực lượng đặc biệt châu Âu, nếu thấy cần thiết.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum (M.Ba-dum) đã đồng ý tiếp nhận lực lượng đặc biệt rút khỏi nước láng giềng Mali. Lực lượng này vốn được Pháp triển khai đến Mali để hỗ trợ chống các tay súng Hồi giáo từ năm 2013. Trong bối cảnh theo kế hoạch, khoảng 2.400 binh sĩ Pháp và 900 lính đặc nhiệm thuộc Lực lượng Takuba do Pháp dẫn đầu sẽ rời Mali trong những tháng tới, các nhà lập pháp của Niger đã thông qua dự luật cho phép triển khai thêm các lực lượng đặc biệt của châu Âu tới nước này nhằm hỗ trợ đẩy lùi các cuộc nổi dậy thánh chiến trên khắp vùng Sahel. Tuy nhiên, động thái này cũng đang gây ra một số phản ứng ở trong nước do lo ngại ảnh hưởng quân sự từ phương Tây. Một số ý kiến cho rằng các quốc gia vùng Sahel có thể tự thiết lập cơ chế bảo vệ của riêng mình.
Trong khuôn khổ quyết định của Hội đồng châu Âu, Ủy ban Chính trị và An ninh đã phê duyệt hỗ trợ bổ sung để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Lực lượng đặc nhiệm chung đa quốc gia chống Boko Haram (MNJTF), hợp tác với AU và tạo ra một môi trường an toàn và bảo mật tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi Boko Haram, lực lượng đang hoành hành tại Nigeria và các nước láng giềng ở Tây Phi và các nhóm khủng bố khác.
Ngoài ra, EU sẽ bổ sung 10 triệu euro vào các nguồn lực đã được EPF huy động cho MNJTF, tăng hỗ trợ tổng thể lên 20 triệu euro. Viện trợ bao gồm nhân sự và chi phí vận hành, hậu cần, vận chuyển mặt đất và hàng không, thiết bị liên lạc và dịch vụ y tế, giúp MNJTF thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. EU cũng thông báo khoản hỗ trợ bổ sung 45 triệu euro được trích từ EPF cho Mozambique, đưa tổng tiền tài trợ của EU cho quốc gia này lên đến 89 triệu euro kể từ tháng 11/2021. Khoản tài trợ này sẽ giúp cung cấp các thiết bị cá nhân và tập thể cho 11 đơn vị tham gia vào sứ mệnh huấn luyện quân sự của EU ở Mozambique, quốc gia đang hứng chịu làn sóng bạo lực do các phần tử thánh chiến gây ra.