Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình

NDO - Ngày 29/1 (tức mùng 8 tháng Giêng), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về của người Mường Hòa Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường.
Hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường.
Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình ảnh 1

Lễ hội xuống đồng cầu cho 1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình cho các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi.

Lễ hội là dịp để người dân xứ Mường bày tỏ lòng kính trọng các vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển, cuộc sống tốt đẹp, bình yên, hạnh phúc.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm nay được tổ chức quy mô lớn với những nghi lễ công phu và nhiều chương trình đặc biệt như: Dấng chiêng (diễn xướng gọi hồn chiêng) của các nghệ nhân; Hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân chiêng Mường; Nghi thức xuống đồng đi cày đầu xuân…

Bên cạnh đó, còn có hàng trăm gian hàng trưng bày các sản vật địa phương, ẩm thực, đồ dùng đan lát thủ công truyền thống, nhạc cụ dân tộc cùng các trò chơi dân gian, hội Báo Xuân, chợ đêm…

Đây cũng là dịp để đồng bào Mường giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình.

Lễ hội Khai hạ của người Mường tỉnh Hoà Bình là Di sản thứ tư của tỉnh Hòa Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, của người dân 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hòa Bình.

Với những giá trị độc đáo, Lễ hội Khai hạ đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mường.

Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ cùng ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, bản Mường.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình cho các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi.