Độc đáo Lễ hội Tiên Công

NDO - Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ hội Tiên Công 2023. Đây là dịp người dân vùng đảo Hà Nam và du khách thập phương tụ hội về để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công đã tìm ra nước ngọt, khai sinh ra khu vực đảo Hà Nam trù phú ngày nay. 
0:00 / 0:00
0:00
Lễ rước các cụ thượng thọ trong gia đình ra Miếu Tiên Công.
Lễ rước các cụ thượng thọ trong gia đình ra Miếu Tiên Công.

Lễ hội Tiên Công cũng là dịp để con cháu mừng thọ những cụ cao tuổi với lễ rước các cụ thượng thọ lên miếu Tiên Công.

Năm nay, Lễ hội Tiên Công có 202 cụ đến tuổi thượng thọ ở các tuổi 80, 90 và 100. Trong đó, có 14 cụ được gia đình, dòng họ tự tổ chức đám rước theo nghi lễ truyền thống và 1 đám rước tập thể do địa phương tổ chức, các cụ còn lại được con cháu làm lễ tạ tại miếu và tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình.

Để góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này và tạo nguồn khuyến khích, động viên các gia đình, dòng họ tổ chức rước, thị xã Quảng Yên đã hỗ trợ mỗi đám rước tập thể 50 triệu đồng và mỗi đám rước cá nhân là 25 triệu đồng.

Độc đáo Lễ hội Tiên Công ảnh 1

Các cụ 80, 90 và 100 tuổi được gia đình rước bằng kiệu ra Miếu Tiên Công làm lễ tổ.

Điểm nhấn chính của lễ hội là hoạt động rước các cụ thượng thọ 80, 90, 100 tuổi trở lên lên miếu Tiên Công lễ tổ vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch (ngày chính hội). Các đoàn rước sẽ xuất phát từ các nhà thờ tổ, con cháu đội các mâm lễ vật đi trước, mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, hương án trên có kết hoa. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước cá nhân hoặc đám rước tập thể. Các đám rước nhập lại khi đến gần bia Tiên Công tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Đại diện các dòng họ sẽ dâng lễ vật và tế trên bia Tiên Công.

Có thể coi lễ “Rước thọ”, “rước cụ thượng” là linh hồn của Lễ hội Tiên Công, đây cũng là một nét đẹp truyền thống đặc sắc riêng có của người dân vùng đảo Hà Nam, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các vị Tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng. Góp phần gìn giữ, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Kính lão đắc thọ” của người Việt và đề cao tình đoàn kết dòng tộc, xóm làng.

Lễ hội Tiên Công năm 2023 vào ngày chính hội có 1 đoàn rước tập thể với 11 cụ và 1 đoàn rước cá nhân 2 cụ song thọ được rước lên Miếu đường bái lạy Tiên Công. Đối với các gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về Miếu Tiên Công lễ tổ thì tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ, tri ơn Tiên công. Việc duy trì lễ rước tập thể vừa góp phần giữ gìn vừa phát huy tốt nét đẹp văn hóa truyền thống, phù hợp với điều kiện ở từng xã, phường, dòng họ.

Độc đáo Lễ hội Tiên Công ảnh 2

Hai cụ cùng thọ 80 tuổi được gia đình, con cháu rước ra miếu Tiên Công làm lễ tổ.

Ông Nguyễn Quang Dự, ở làng Yên Đông, phường Yên Hải năm nay 85 tuổi và có hơn 20 năm trực tiếp tập hợp gắn kết các gia đình, dòng tộc ở Yên Đông để tạo nên đoàn rước tập thể về miếu Tiên Công, ông Dự cho biết: Ban đầu thì chúng tôi thấy vẫn còn có các gia đình điều kiện khó khăn, không có nguồn kinh phí lớn để tổ chức đoàn rước cá nhân, vì vậy Ban tổ chức lễ hội ở phường Yên Hải đã bàn bạc thống nhất hình thức tổ chức mừng thọ tập thể cho các cụ, để giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo sự bình đẳng giữa người giàu, người nghèo, ở xa hay ở gần đều được rước về miếu Tiên Công.

Được con cháu rước lên miếu Tiên Công làm lễ, cụ ông Lê Đức Quyến 80 tuổi ở thôn Cẩm Liên, xã Cẩm La chia sẻ: "Tôi được tiên tổ phù hộ, ban cho sức khỏe, giờ được các con cháu đưa lên bái đường Tiên Công tôi thấy rất phấn khởi và vui sướng."

Anh Lê Đức Lương, con trai cụ Lê Đức Quyến cho biết: "Năm nay bố tôi được thọ tuổi vàng, tuổi ngọc, con cháu đều tập trung về nhà thờ họ, chuẩn bị đồ lễ và đưa rước bố tôi lên miếu Tiên Công lễ tiên tổ. Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc, các con cháu nội, ngoại hai bên, các bạn bè đều đến chia vui. Mong muốn sao cho bố tôi sống khỏe, sống thọ."

Cùng chung niềm vui được con cháu rước lên miếu đường làm lễ tổ, cụ bà Lê Thị Dính, ở khu 6, phường Phong Cốc phấn khởi cho biết: Năm nay tôi 80 tuổi, các con cháu, anh em người thân trong gia đình họ tộc đều đến chia vui, chúc thọ. Về lễ tổ tôi chỉ cầu mong sao các con, các cháu thêm đoàn kết thuận hòa, làm ăn tấn tới. Bản thân tôi có được sức khỏe, sống vui, sống thọ cùng con cháu, để đến khi tròn tuổi 90 tôi lại được các con, các cháu đưa rước lên miếu Tiên Công.

Lễ hội Tiên Công với những nét đặc sắc, độc đáo trong cả phần lễ và phần hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng động, sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân dịp đầu xuân, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng nhân dân và du khách. Lễ hội đã và đang tiếp tục được nhân dân, chính quyền địa phương lưu giữ, bảo tồn, phát huy tốt.

Trong khuôn khổ của Lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đặc sắc như: chơi đu, chọi gà, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu bóng chuyền hơi... Điều này đã thu hút ngày càng đông nhân dân, du khách về dự Lễ hội.

Độc đáo Lễ hội Tiên Công ảnh 3

Trong khuôn khổ của Lễ hội có các hoạt động văn hóa đặc sắc như hát quan họ trên hồ trước miếu Tiên Công.

Lễ hội Tiên Công được kéo dài từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, chính hội sẽ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm.