Phú Yên: Triều cường xâm thực khu dân cư, nhiều hộ dân ven biển bị ảnh hưởng

NDO - Do ảnh hưởng của bão số 7, sóng lớn kết hợp triều cường xâm thực sâu vào khu vực ven biển của huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Triều cường gây sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền, làm ảnh hưởng đời sống nhiều hộ dân. Một số nhà dân đã bị sóng đánh hư hỏng tài sản, các công trình phụ. Triều cường và sóng lớn còn có nguy cơ tiếp tục gây ảnh hưởng, uy hiếp trong những ngày tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Triều cường xâm thực vào đến móng nhà người dân ở tại thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An).
Triều cường xâm thực vào đến móng nhà người dân ở tại thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An).

Chiều 1/11, đoàn công tác của tỉnh do ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả do triều cường gây ra tại huyện Tuy An.

Theo phản ảnh của người dân, từ tối 30-31/10, khu vực ven biển trên địa bàn xã An Mỹ xảy ra tình trạng triều cường, sóng biển rất lớn đã xâm thực vào đất liền, gây sạt lở một số nhà dân.

Theo ông Huỳnh Châu ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ), triều cường bắt đầu xuất hiện từ chiều, nhưng lớn nhất từ tối 30/10 đến sáng 31/10. Khi xuất hiện triều cường, gia đình đã chuyển đến ở nhà người quen gần đó. Triều cường đã xâm thực và gây sạt lở đất sâu vào khoảng 7m, các loại cây như phi lao, bàng… trồng phía ngoài đã bị sóng biển cuốn trôi, ngã đổ. Nhiều gia đình ở đây đúc bi tròn bằng bê-tông xi-măng dùng để chắn sóng cũng bị cuốn trôi.

Phú Yên: Triều cường xâm thực khu dân cư, nhiều hộ dân ven biển bị ảnh hưởng ảnh 1

Người dân thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) dùng bao cát khắc phục những điểm sạt lở.

Ông Biện Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: Triều cường đã xâm thực vào đất liền khoảng 4-6m, chiều dài đoạn xâm thực khoảng 120m, sóng biển làm sập tường rào, công trình phụ của một số nhà dân ở xóm Gành Dưa, thôn Giai Sơn.

Thống kê ban đầu, đến chiều 1/11, đã có 4 hộ dân bị thiệt hại do triều cường gồm các công trình phụ bằng bê-tông; cây cối, hoa màu bị sóng biển cuốn trôi, ngã đổ; đặc biệt có khoảng 120 bi tròn bằng bê-tông xi- măng dùng chắn sóng cũng bị cuốn trôi. Hiện sóng biển vẫn còn lớn, có khả năng uy hiếp thêm 3 hộ dân ở khu vực này.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tuy An, triều cường đợt này cũng ảnh hưởng đến một số hộ dân ở thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn). Đến chiều 1/11, có 2 thuyền đánh cá (công suất 20CV/thuyền) của hai hộ dân thôn Mỹ Quang Bắc bị chìm và bị sóng biển đánh vỡ be; một số tường rào xây gần biển cũng bị triều cường đánh sập… Trước tình hình này, chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng cứu hộ, cứu nạn triển khai phương án, dùng bao cát để khắc phục các điểm sạt lở, hạn chế triều cường xâm thực.

Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó với triều cường, khẩn trương sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và khắc phục những điểm sạt lở nhằm hạn chế triều cường xâm thực.

Phú Yên: Triều cường xâm thực khu dân cư, nhiều hộ dân ven biển bị ảnh hưởng ảnh 2

Đoàn công tác của tỉnh và huyện Tuy An kiểm tra công tác khắc phục triều cường tại thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An).

Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trước mắt chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân dùng bao cát để đắp các vị trí bị sóng biển đánh sập. Ủy ban nhân dân huyện Tuy An đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quan tâm cho đầu tư 983m kè biển còn lại của hai thôn Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc. Đồng thời, lập dự án đầu tư xây dựng mới 120m kè biển ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ đang có nguy cơ bị xâm thực để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo dự báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, sóng biển ở các khu vực ven biển đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, người dân sinh sống gần bờ không được chủ quan mà cần chủ động các biện pháp phòng tránh, di dời tài sản (tàu cá, ngư lưới cụ) đến nơi an toàn. Đồng thời, chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch sản xuất trên biển phù hợp.