Phú Yên quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với phát triển

NDO - Tại cuộc họp lần thứ 8 ngày 13/7, Tỉnh ủy Phú Yên chỉ ra nhiều yếu kém, khuyết điểm cần phải được làm rõ để khắc phục triệt để, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục phải được thực hiện quyết liệt hơn. Cùng với đó, không để tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Khắc phục tình trạng này, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần trên dưới đồng lòng, đoàn kết cùng thực hiện”.

6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Phú Yên đã kiểm tra 2 đơn vị thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động, nhưng chưa phát hiện trường hợp sai phạm; thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện về chế độ, định mức, tiêu chuẩn tại một số cơ quan, đơn vị, phát hiện 1 vụ vi phạm với tổng số tiền 26 triệu đồng; chuyển đổi vị trí công tác 7 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực…

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra chi tiết nhiều hạn chế, yếu kém cần phải được thực hiện ngay. Đó là tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và án hành chính còn chậm, kéo dài; kết quả thi hành án hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra, nhiều vụ việc kéo dài nhưng vẫn chưa thi hành xong; việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp vào ngân sách Nhà nước qua thanh tra chưa dứt điểm; giải quyết đơn, thư một số trường hợp còn chậm, có vụ việc chưa sát nội dung hoặc chưa đúng thẩm quyền, sai sót về quy trình, thủ tục.

Trong phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, một số chỉ tiêu chủ yếu tuy có tăng so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ tăng còn thấp so với kịch bản đề ra, nhất là là tốc độ tăng GRDP; tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên. Tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp (đến ngày 20/5/2022 mới chỉ đạt 16% kế hoạch vốn Trung ương giao); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa khởi sắc; một số nguồn thu chưa đạt tiến độ dự kiến, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp (khối tỉnh chỉ đạt 12% kế hoạch). Công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm so với tiến độ đề ra; nhiều nơi thiếu kiên quyết trong xử lý về trật tự xây dựng, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đô thị; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt thấp và đến nay mới chỉ đạt 20,5% kế hoạch; chất lượng một số dịch vụ y tế còn thấp, chưa có chuyển biến đáng kể, để xảy ra một số chậm trễ trong mua sắm thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao (2,6%)…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, thời gian tới cần phải nâng cao chất lượng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ cấp cơ sở; chủ động kiểm tra, phát hiện tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đồng thời tăng cường, thường xuyên giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong nêu gương về đạo đức, lối sống. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển qua việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương của một số đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức…