Chiều 25/7, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn khu vực các tỉnh miền trung (gồm 8 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) và ký biên bản hợp tác giữa Chi hội này với Tổng hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.
Tại buổi lễ ra mắt, bà Nguyễn Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn khu vực miền trung và quyết định chỉ định Ban chấp hành lâm thời Chi hội. Theo đó, Ban chấp hành Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền trung gồm 5 thành viên do TS.Trần Ngọc Nam (nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế) làm Chi Hội trưởng.
Theo Tổng hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam, việc thành lập Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn khu vực miền trung nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn tại các tỉnh trong khu vực; hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất-nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn khu vực miền trung ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Là cầu nối để các bên tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi từ khai thác nông nghiệp kiểu truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, thuận tự nhiên, khép kín, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây được xem là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tương lai.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Quế Lâm Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho rằng: Nông nghiệp tuần hoàn là nông nghiệp không chất thải, không phế phẩm (nông nghiệp không bỏ đi thứ gì) dựa trên ứng dụng kỹ thuật truyền thống kết hợp với tiến bộ khoa học hiện đại để giải quyết triệt để các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải thành giá trị hữu ích tái sử dụng. Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái rõ ràng hơn, nhanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
“Chúng tôi tin rằng, với sự ra đời của hệ thống các Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn trong nước sẽ là nơi tập hợp người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước ở trong một hệ sinh thái có chung mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn vừa nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp vừa bảo đảm được sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hồng Lam cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang là chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Đó là phải xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp mà ở đó đầu ra của lĩnh vực này là đầu vào của lĩnh vực kia, không bỏ phí bất cứ thứ gì. Với vai trò hạt nhân của nông nghiệp tuần hoàn, sau hành trình hơn 20 năm, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Lam chia sẻ: “Hệ sinh thái bao gồm 14 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh thành và đặc biệt là tổ hợp 4F ở tỉnh Thừa Thiên Huế - tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam. Với việc xây dựng tổ hợp 4F ở Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp tiên phong cụ thể hóa khái niệm “kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng: tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm góp phần tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì, một nền nông nghiệp chia sẻ, không bỏ lại ai phía sau. Những đóng góp của Quế Lâm đã mở ra một cục diện mới cho ngành nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.
Tại buổi lễ ra mắt Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn khu vực miền trung, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đã ký biên bản hợp tác với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững theo Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.