Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

NDO - Từ năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam chủ trì triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp nhận gần 100 ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo của phụ nữ đăng ký dự thi. Nhiều ý tưởng đã thể hiện rõ tính đổi mới, sáng tạo, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, sản phẩm làng nghề... có khả năng đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức trao giải cho dự án đạt giải.
Ban tổ chức trao giải cho dự án đạt giải.

Nhân rộng các mô hình Phụ nữ phát triển kinh tế

Qua 6 năm triển khai Đề án, đến nay, đã có 95% hội viên, phụ nữ của tỉnh được tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp; gần 100 ý tưởng, dự án được các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ; gần 400 nữ chủ doanh nghiệp mới thành lập được hỗ trợ kiến thức về sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành, quản lý tài chính, Maketing...;

30 mô hình hợp tác xã, 14 tổ hợp tác được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; 1.248 thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được kết nối vay vốn hơn 43,9 tỷ đồng từ các nguồn vốn.

Hội thi phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hà Nam được triển khai hằng năm, thu hút đông đảo phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tham gia.

Chủ đề, hình thức tổ chức hội thi qua các năm đều được đổi mới phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước, của tỉnh, với sự phát triển của khoa học công nghệ, bắt kịp nhu cầu của hội viên phụ nữ.

Qua các cuộc thi, có gần 40 ý tưởng, dự án lọt vào Vòng chung kết, đoạt giải và được tôn vinh, trao giải tại các cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức.

Trong đó, có một số ý dự án nổi bật như: “Phát triển các sản phẩm từ sữa Hà Nam” của chị Trần Thị Thanh Thoan ở xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên; Dự án “Chăn nuôi bò sữa khép kín gắn với thương mại trực tiếp” của chị Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ Mục Đồng xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; Dự án Cải tiến cá kho Vũ Đại của chị Phạm Thị Ánh Ngọc; Dự án “Sản xuất lụa tơ tằm truyền thống Nha Xá gắn với chuỗi du lịch sinh thái Đền Lảnh Giang” của chị Phạm Thị Ngọc Liên, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên Nguyễn…

Năm 2023, với chủ đề “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”, với mục tiêu lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp hình thành từ nguồn tài nguyên bản địa ở các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời góp phần lưu giữ văn hóa ở các địa phương, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

19 ý tưởng, dự án tham gia dự thi ở các lĩnh vực, nông nghiệp, chế tạo sản phẩm, kinh doanh, dịch vụ, các lĩnh vực khác; chủ thể tham gia dự thi đến từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có 55,5% là Phụ nữ khởi nghiệp; 38,9% là hợp tác xã; 5,6% là phụ nữ khuyết tật.

Các ý tưởng, dự án tham gia Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 thể hiện sự quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh, cũng như thể hiện sự tự tin khởi nghiệp, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới để khẳng định năng lực, vị thế của phụ nữ Hà Nam.

Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa ảnh 1
Dự án"sản xuất tỏi đen Linh An" của chị Nguyễn Thị Huyên, xã Công Lý, huyện Lý Nhân được trao giải Nhất.

Dự án “ Sản xuất tỏi đen Linh An” của chị Nguyễn Thị Huyên, xã Công Lý, huyện Lý Nhân đã được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải Nhất hội thi năm 2023.

Chị Huyên chia sẻ: Sản phẩm tỏi đen rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, nhiều khách hàng còn băn khoăn, e ngại về chất lượng và vấn đề vệ sinh thực phẩm của sản phẩm tỏi đen chưa được sản xuất bảo đảm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều đó khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm đầu tư xây dựng xưởng chế biến tỏi đen Linh An bảo đảm không có hóa chất, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng hành cùng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ

Cuộc thi “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 được tổ chức với mục tiêu lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp hình thành từ nguồn tài nguyên bản địa ở các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời góp phần lưu giữ văn hóa ở các địa phương, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.

Chị Dương Thị Lợi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: Các hoạt động hỗ trợ thực hiện hóa ý tưởng thông qua việc tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hằng năm. Chủ đề Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 đã bám sát sự chuyển động của nền kinh tế; bước đầu đã cung cấp kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, chuyển đổi số, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi.

Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa ảnh 2
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố.

Ghi nhận sự nỗ lực của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ của tỉnh trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức Hội thi với nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào phong trào khởi nghiệp, mục tiêu bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của tỉnh, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hà Nam đánh giá: Đây là diễn đàn sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Hà Nam trong hành trình khởi nghiệp; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế đa dạng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong đó, tổ chức Hội phải thật sự là cầu nối của doanh nghiệp nữ với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; định hướng cho chị em những lĩnh vực khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mà tỉnh và địa phương có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường để tập trung phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, làm tốt hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp để hành trình phụ nữ khởi nghiệp đạt kết quả tốt hơn.

Duy trì, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh có hiệu quả; tạo các diễn đàn, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… chia sẻ kinh nghiệm công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giữa các địa phương.

Quan tâm lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện; nhân rộng sáng kiến, kinh nghiệm làm kinh tế giỏi của phụ nữ; gắn với biểu dương, nêu gương, tôn vinh các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp thành công, nữ doanh nhân thành đạt.