Phong trào xử lý rác thải và rác thải nhựa ở Tuyên Quang

NDO - Tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế; 96% chất thải rắn thông thường trên địa bàn được xử lý đạt tiêu chuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tham gia đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tham gia đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.

Triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 4.577 mô hình tổ, nhóm tự quản về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư; 24.000 bể, hố xử lý rác thải; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường ít nhất 1 lần/tháng...

Phường An Tường, thành phố Tuyên Quang là điển hình trong thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay phân loại rác thải và chống rác thải nhựa”. Để phong trào đạt hiệu quả, ban đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường thành lập mô hình tự quản thí điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa tại nguồn. Từ đó nhân rộng tới 19 tổ, xóm nhân dân với 85 nhóm và 447 thành viên.

Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường An Tường đã tích cực đổi mới các nội dung tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, kết nối qua hệ thống truyền thanh của phường; phát hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn để vận động nhân dân tích cực tham gia; đồng thời, tổ chức ký cam kết thi đua tới các hộ gia đình trên địa bàn để tạo khí thế thi đua trong nhân dân.

Phong trào xử lý rác thải và rác thải nhựa ở Tuyên Quang ảnh 1

Người dân phường An Tường, thành phố Tuyên Quang xây dựng bể ủ rác bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường An Tường cho biết, đến nay, 3.572/3.572 gia đình đã ký cam kết tự giác thực hiện thu gom rác thải, phân loại rác thải ngay tại nguồn. Ủy ban mặt trận tổ quốc phường cũng đã vận động đảng viên tổ đảng 213 trên địa bàn ủng hộ số tiền gần 50 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí để cấp phát hơn 1.300 xô đựng rác cho gần 670 hộ gia đình trên địa bàn. Rác được phân loại giúp cho các đơn vị thu gom rác dễ dàng xử lý, hạn chế rác thải ra môi trường. Trên địa bàn phường cũng có nhiều hộ gia đình có quỹ đất vườn rộng, phường đã tuyên truyền, vận động những hộ này xây dựng bể ủ rác hữu cơ. Các bể ủ rác này sau khi được ủ men sẽ sử dụng làm phân bón cho cây, vừa giúp rác thải được xử lý ngay tại gia đình góp phần xóa bỏ những điểm tập kết rác tự phát.

Kim Quan là xã còn nhiều khó khăn của huyện Yên Sơn. Bí thư Đảng ủy xã Trọng Văn Vĩnh cho biết, trước đây quá trình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới người dân thực hiện việc phân loại rác thải khá tốt. Giờ đây, không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường, dưới khe suối hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ đưa tới nơi quy định để xử lý. Hy vọng rằng, mô hình sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để xây dựng địa phương là vùng quê văn minh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ.

Phong trào xử lý rác thải và rác thải nhựa ở Tuyên Quang ảnh 2

Người dân phường An Tường, thành phố Tuyên Quang phân loại rác thải tại nguồn.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn được xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn. Triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.577 mô hình tổ, nhóm tự quản về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, để tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; thu gom, phân loại rác tại nhà; kho tập kết rác khó phân hủy...; các trường học có mô hình ngôi nhà kế hoạch nhỏ, ngôi nhà xanh, đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập, lấy cây xanh; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường ít nhất 1 lần/tháng gắn với thực hiện Phong trào thi đua "Xanh, sạch, đẹp - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động". Vận động xã hội hóa đóng góp xây dựng trên 24.000 bể, hố xử lý rác thải hữu cơ; hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình, hộ gia đình mua xe chở rác, xây lò đốt rác,... Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống, lợi ích cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” được triển khai đã đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc.