Phân loại rác thải từ nhà không hề khó

Phân loại rác từ nguồn là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng với mỗi cá nhân trong chiến dịch bảo vệ môi trường. Điều này góp phần giải quyết được tình trạng rác thải tràn lan, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động vẫn còn những trở ngại nhất định. 

Chị Lê Thị Kim Thảo và chị gái (tổ 68, phường Nại Hiên Đông) phân loại rác tại nhà.
Chị Lê Thị Kim Thảo và chị gái (tổ 68, phường Nại Hiên Đông) phân loại rác tại nhà.

Băn khoăn thói quen khó bỏ

Ban đầu việc thực hiện phân loại rác trong nhà gặp chút khó khăn vì thói quen sinh hoạt lâu ngày của người dân. Hơn thế nữa, mỗi hộ dân cư có trình độ nhận thức, thời gian làm việc khác nhau, điều này cũng làm ảnh hưởng đến ý thức phân loại rác thải từ nhà. Ngoài ra, một số người dân trong thành phố vẫn chưa nhận biết được đâu là rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế. Anh Đặng Văn Sinh ở tổ 36, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết: “Tôi là một thợ lặn, hằng ngày phải đi làm từ sáng sớm đến chiều, về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi nên không có thời gian tìm hiểu cũng như phân loại rác một cách đàng hoàng. Những gì mà tôi có thể làm được là gom rác vào một bao lớn rồi mang đi vứt”.

Còn anh Trần Đình Minh, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết: “Nhà tôi rất ít người, rác cũng không bao nhiêu, phân loại rồi công nhân thu rác cũng dồn vào một thùng thôi. Nếu thu gom và bán các chai nhựa, vỏ lon bia, vỏ chai nước ngọt cũng chỉ được vài đồng, cảm thấy mất công, nên tôi không làm”. Chị Nguyễn Thị Minh, cùng xã, cho rằng: “Mỗi tháng, tôi cũng đã đóng một khoản tiền phí thu gom rác và phí vệ sinh. Vậy tại sao tôi phải phân loại nó? Đó không phải là nhiệm vụ của tôi”.  

Còn đối với những hộ gia đình sống tại các chung cư, tuy đã thực hiện việc phân loại rác nhưng vứt ở đâu lại là vấn đề nan giải. Thực phẩm dư thừa như cơm nguội, rau quả, thức ăn thừa là rác thải sinh hoạt không biết xử lý như thế nào. Chị Nguyễn Thị Dung, đường Phạm Huy Thông (phường Nại Hiên Đông), tâm sự: “Vì ở chung cư nên với các thực phẩm dư thừa như: cơm nguội và thức ăn thừa, tôi không biết cho ai. Ở quê, người ta còn nuôi gà, nuôi lợn nên những đồ ăn này còn sử dụng được. Với người dân ở chung cư như chúng tôi thì chỉ biết dồn lại và cho tất cả vào thùng rác”.  

Không hề mất thời gian

Việc thực hiện phân loại rác tại nhà vẫn còn những khó khăn nhưng phần lớn mọi người cũng đang dần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính mình. Nhiều người nhận ra rằng, nếu biết cách tái sử dụng có hiệu quả, rác cũng có thể trở thành một nguồn tài nguyên quý giá.

Một số hộ dân trong khu vực tổ 35, phường Nại Hiên Đông  đã dần có ý thức trong việc phân loại rác trong chính căn hộ của mình. Chị Nguyễn Thị Mỹ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chưa biết đến cách phân loại rác, các loại rác trong nhà đều được bỏ dồn vào một bao lớn. Cuối ngày, mùi hôi thối bốc ra từ trong góc nhà rất khó chịu. Nhưng từ khi tôi bắt đầu tìm hiểu về cách phân loại rác, tìm cách bỏ rác hữu cơ riêng, rác vô cơ và rác tái chế riêng thì không khí trong nhà thông thoáng, thoải mái, dễ chịu và sạch sẽ hơn rất nhiều”.

Các hộ dân khu vực quanh đó, mỗi nhà đều có hai thùng rác hữu cơ và vô cơ riêng biệt. Với bao nylon, quần áo cũ, chai nhựa... và những rác thải khó phân hủy thì bỏ vào thùng vô cơ. Còn rau củ quả hay thức ăn thừa có thể phân hủy được thì bỏ riêng vào một thùng khác, đến cuối ngày thì mang ra trước nhà cho công nhân thu gom. Phân loại và xử lý rác thải từ nhà một cách khoa học góp phần tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Việc phân loại rác tại nhà không làm mất nhiều thời gian của mỗi hộ gia đình mà còn giúp cho các thành viên nhỏ trong gia đình hình thành nên một thói quen tốt. Chị Lê Thị Kim Thảo, tổ 68, phường Nại Hiên Đông cho hay: “Khâu phân loại rác một ngày của gia đình tôi không mất nhiều thời gian, chỉ từ 10 - 15 phút vì thùng rác trong nhà đã được chia ra hai ngăn rõ ràng. Điều quan trọng là hướng dẫn cho các con quen và biết cách bỏ đúng rác vào các thùng”.

Các chuyên gia gợi ý, người dân cần dựa vào các cách nhận biết sau để gom rác sinh hoạt tại nhà: Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả, trái cây, cà-phê, cỏ, lá cây… Những rác thải này sẽ được đem đi chế tạo thành phân bón. Rác vô cơ là những loại rác khó phân hủy trong môi trường, đồng thời nó vẫn có thể tái sử dụng lại hoặc tái chế như nylon, chai nhựa, sành sứ, gỗ đá, gạch, chén, đồ nhựa, đồ cao-su, đồ sắt, thủy tinh… Thực hiện phân loại rác trong gia đình sẽ có một môi trường trong lành hơn.

Chị Kim Thảo: “Tôi nghĩ việc phân loại rác từ nhà còn giúp các công nhân môi trường bớt đi phần nào cực nhọc”.