Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế

Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cùng việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội lớn, tuy nhiên cũng tiềm ẩn rủi ro. Thực tế, không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác khi giao dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Hoàn thiện sản phẩm giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Giày Gia Ðịnh, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HỒNG ÐẠT)
Hoàn thiện sản phẩm giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Giày Gia Ðịnh, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HỒNG ÐẠT)

Dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng trong top đầu thế giới, nhưng đa phần doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm ứng phó với lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt thường bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới.

Nguy cơ lừa đảo cao

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là câu chuyện mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn phải tính đến. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác, tạo sân chơi rộng lớn hơn với luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng phức tạp hơn. Ðặc biệt, tình trạng lừa đảo đang diễn ra không chỉ ở khu vực Trung Ðông, châu Phi mà ngày càng phổ biến ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh chia sẻ: Theo ghi nhận của Thương vụ, thời gian qua, các vụ lừa đảo thương mại thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh. Mặc dù Thương vụ đã không ít lần cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng số vụ lừa đảo vẫn không hề giảm; trung bình mỗi tháng Thương vụ tiếp nhận khoảng 10 vụ việc. Theo quan sát, do đang "khát" đơn hàng nên khi nhận được lời đề nghị từ nước ngoài, nhất là từ thị trường tin cậy như Canada, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chủ quan, dẫn tới sơ hở khi tiếp cận cũng như soạn thảo hợp đồng.

Dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng trong top đầu thế giới, nhưng đa phần doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm ứng phó với lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt thường bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo cũng nhận xét, tại Italia, tình trạng lừa đảo thương mại diễn ra dưới nhiều hình thức, xảy ra cả với doanh nghiệp nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Khi gian lận lừa đảo xảy ra, kể cả có sự hỗ trợ của các Thương vụ, cơ quan quản lý nhà nước và các luật sư, việc khắc phục vẫn rất khó khăn và gây nhiều tốn kém đối với doanh nghiệp.

Các đối tượng cũng sử dụng đa dạng thủ đoạn, hình thức lừa đảo. Hình thức thứ nhất, người mua có thể phối hợp với một số nhóm lừa đảo quốc tế để làm giả các bộ chứng từ bao gồm cả chứng từ thanh toán, tiến tới chiếm đoạt toàn bộ chứng từ gốc để nhận hàng. Gần đây, một công ty của Italia lấy tên là World Food đã làm giả chứng từ để lừa đảo nhập khẩu thủy sản của 2 doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thương vụ này, hai bên sử dụng hình thức thanh toán D/P, nghĩa là bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng để được nhận bộ chứng từ làm thủ tục nhận hàng. Tuy nhiên, lệnh chuyển tiền của đối tác này lại là chứng từ giả mạo và doanh nghiệp Việt Nam không nhận được tiền. Thương vụ Việt Nam sau đó đã liên hệ luật sư, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thành công.

Hình thức thứ 2 là doanh nghiệp Việt Nam mua hàng từ đối tác nước ngoài và đặt cọc tiền nhưng không được giao hàng hoặc hàng hóa không đạt yêu cầu. Trong các trường hợp này, hợp đồng giữa hai bên thường sơ sài, không có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể cho hàng hóa cũng như các ràng buộc khác cho bên bán. Thậm chí, nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt chỉ có hợp đồng với môi giới, không ký trực tiếp với bên bán hoặc bên mua ở nước ngoài nên khi xảy ra tranh chấp thương mại, rất khó can thiệp bằng pháp luật.

Hình thức thứ 3 là đối tác Italia thông báo đã mở tài khoản tại một ngân hàng uy tín, nhưng tài khoản này hoàn toàn không hoạt động hoặc địa chỉ nhận chứng từ không phải cán bộ của ngân hàng người mua. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo cũng có thể đánh tráo, đánh cắp toàn bộ chứng từ hàng hóa gốc. Ðây là thủ đoạn đã được sử dụng trong vụ lừa hơn 70 container hạt điều vào năm 2022. Toàn bộ chứng từ gốc của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong quá trình vận chuyển đến ngân hàng của người mua đã bị tiết lộ mã vận đơn, từ đó các đối tượng có thể tra cứu được lịch di chuyển và đánh cắp.

Cẩn trọng khi giao dịch

Từ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các vụ lừa đảo thương mại, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha Vũ Chiến Thắng tổng kết một số yếu tố có thể cấu thành rủi ro khiến doanh nghiệp Việt bị lừa đảo. Ðó là cạnh tranh trong bán hàng ngày càng nhiều làm doanh nghiệp Việt thường "nóng vội", dẫn đến đàm phán và đưa ra các điều khoản không có lợi, "bị hớ" trong hợp đồng ngoại thương liên quan đến phương thức thanh toán, % đặt cọc hoặc điều kiện giao hàng.

Doanh nghiệp Việt cũng thường hạn chế trong việc xác minh đối tác nước ngoài (về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín làm ăn quốc tế) - là yếu tố rủi ro cao xảy ra lừa đảo. Ông Chiến khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phối hợp với Thương vụ trong công tác xác minh đối tác khi tiến hành hoạt động ngoại thương. Trước khi đi đến ký hợp đồng, doanh nghiệp Việt phải đề nghị đối tác cung cấp bản sao có công chứng đầy đủ các thông tin về tình trạng của doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ thuế và báo cáo tài chính hằng năm,...

Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường,... Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp bị lừa đảo trong giao thương quốc tế vẫn xảy ra.

Các doanh nghiệp phải thảo luận kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nhất là các điều khoản về phương thức thanh toán phù hợp (tốt nhất là có bảo lãnh của ngân hàng bên mua), đồng thời lưu ý nâng cao % đặt cọc cho lô hàng (tốt nhất là từ 35-40% trở lên).

Doanh nghiệp cần kết nối, phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng nước sở tại để tiếp xúc được với các đối tác uy tín, giúp dễ dàng có thông tin xác minh khi tiến hành giao dịch thương mại quốc tế. Khi giải quyết xong "rắc rối", doanh nghiệp Việt nên thông báo kết quả lại cho các Thương vụ để từ đó đúc kết kinh nghiệm hỗ trợ các trường hợp khác.

Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Cao Xuân Thanh chia sẻ: Khó nhất của doanh nghiệp ngành gỗ trong hoạt động ngoại thương là việc xác minh đối tác. Ðơn cử, thị trường cung cấp gỗ tròn chủ yếu cho Việt Nam hiện nay là các quốc gia châu Phi nhưng các doanh nghiệp sở tại thường thiếu thông tin minh bạch, trong khi việc thuê bên thứ 3 hoặc cử người sang tận nơi để làm việc trực tiếp rất tốn kém, ít doanh nghiệp làm được. Do đó, hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương thành lập kênh hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác kịp thời hơn trong thời gian tới.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường,... Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp bị lừa đảo trong giao thương quốc tế vẫn xảy ra.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết những rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.

Bộ đã giao nhiệm vụ cho Cục Xúc tiến thương mại phối hợp các đơn vị liên quan liên tục bám sát, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. Bộ cũng yêu cầu các hiệp hội, ngành, hàng chủ động phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin tới cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp khi hoạt động thương mại quốc tế; hợp tác với các cơ quan đối tác, hiệp hội, ngành hàng của nước ngoài giúp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại (nếu có) và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam,...