Cảnh giác lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

Tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản (hàng, tiền) trong giao dịch thương mại quốc tế diễn ra ngày càng nhiều, phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi. Dù đã được cảnh báo, nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy".
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến điều nhân xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước.
Chế biến điều nhân xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước.

Lỗ hổng trong quy trình kinh doanh

Cách đây chưa lâu, đầu tháng 3/2022, năm doanh nghiệp Italy ký kết hợp đồng mua 100 container hạt điều, trị giá 20 triệu USD với sáu doanh nghiệp hạt điều Việt Nam, thông qua một công ty môi giới. Theo đó, có 74 container đã được giao sang Italy. Trong số 74 container, có 35 container doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc, mất quyền kiểm soát ở tất cả các cơ quan: ở cảng, hải quan, cảnh sát kinh tế, luật sư, các cơ quan hữu quan.

Nhờ sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan liên quan, Thương vụ Việt Nam tại Italy, toàn bộ số container điều xuất khẩu được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng thành công như vậy. Chính quyền các nước có xu hướng xem đây là những tranh chấp dân sự, mà đã là dân sự thì phải giải quyết ở tòa án hoặc trọng tài, tùy thỏa thuận giữa các bên. Sự can thiệp của cơ quan ngoại giao chỉ có ý nghĩa thúc đẩy chính quyền sở tại quan tâm hơn, chứ không phải là biện pháp mang tính pháp lý.

Mới đây, lô hàng 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều,… xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổng trị giá 516.761 USD có dấu hiệu bị lừa đảo xuất khẩu. Đến nay, bốn lô hàng hồ tiêu, quế và điều bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán; còn một lô hàng hoa hồi bị mất bộ chứng từ gốc, được giữ tại cảng Dubai. Cơ quan thương mại Việt Nam tại UAE đang phối hợp các cơ quan nước sở tại để lấy lại quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italy năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc doanh nghiệp xuất khẩu đều dính lỗi chuyển phát chứng từ, giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng phía người mua, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng. Đây là lỗ hổng trong quy trình kinh doanh.

Cũng nhìn nhận về vụ việc này, ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, cần thẳng thắn nhìn nhận có sự vội vàng của doanh nghiệp, chưa tìm hiểu kỹ về người mua và quá tin tưởng vào môi giới. Đây được xem là một bài học lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Cần thận trọng và không thể làm tắt

Bộ Công thương đánh giá, giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi (Nigeria, Cameroon...). Trong vài năm trở lại đây, tình trạng lừa đảo đã diễn ra phổ biến hơn, ở nhiều thị trường như: Hà Lan, Mỹ, Canada, UAE...

Các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn, với đa dạng cách thức. Một số thủ đoạn phổ biến, đó là: Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng nhập khẩu trị giá lớn, từ một đến hai triệu USD, hoặc 500-1.000 container hàng hóa. Các đối tượng này thường chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá. Sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư,... Khi nhận được tiền môi giới, đối tượng lừa đảo thay đổi thông tin, lừa đảo doanh nghiệp khác. Hoặc là, thực hiện ký từ 5-10 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện giao dịch một đến hai hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng tốt, nhằm tạo ra sự tin tưởng cho doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này, sau đó không giao hàng...

Để tránh những rủi ro, các chuyên gia về xuất-nhập khẩu, luật sư khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thận trọng, không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xác minh năng lực đối tác. Doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro thông qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín. Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa rủi ro bằng việc mua bảo hiểm hàng hóa, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba. Về phương thức thanh toán, cần áp dụng phương thức thanh toán ít rủi ro nhất. Phương thức thanh toán D/P (nhờ thu tiền kèm chứng từ) linh hoạt nhưng lại nhiều rủi ro nhất.

Thực tế, một phần xuất phát từ tâm lý cần khách, muốn bán được hàng ngay, đặc biệt trong bối cảnh ít đơn hàng như hiện nay, nên có những doanh nghiệp không yêu cầu người mua đặt cọc, ngay cả khi đó là khách hàng mới. Vậy nhưng, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác, không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này.

Trong trường hợp chưa yên tâm về người mua, doanh nghiệp có thể đề nghị hãng tàu phát hành vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy, ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng sẽ chưa thể nhận được hàng. Ngoài ra có thể chọn áp dụng phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, như: xác nhận mở L/C (thư tín dụng không thể hủy ngang), bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng,... Việc này tuy sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt nguy cơ về sau. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế cho đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương.

Theo khảo sát của PwC Việt Nam: Năm 2022, có tới 52% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, đã từng bị lừa đảo, hoặc bị các tội phạm kinh tế khác "tấn công" khi tham gia thương mại quốc tế. Con số này cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (46%) và mức trung bình của toàn cầu (49%).