Nhìn lại năm 2023:

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra

Năm 2023, hoạt động thanh tra của các bộ, ngành, địa phương có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm; kiến nghị hoàn thiện thể chế để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên đang được Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội rất quan tâm là việc đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động thanh tra.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng xảy ra cả trong và ngoài khu vực nhà nước... Nổi lên là, các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vừa qua, nhiều cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và nhiều cán bộ thanh tra, người đứng đầu ngành thanh tra tại một số địa phương có hành vi tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 48 vụ, với 93 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Mới đây nhất, nguyên Cục trưởng Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Đỗ Thị Nhàn bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ", do quá trình thanh tra đã báo cáo không trung thực, không chính xác dẫn đến việc giám sát, xử lý, kiểm soát Ngân hàng SCB không kịp thời, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có khả năng thất thoát rất lớn. Trong vụ án này, tất cả thành viên đoàn thanh tra liên ngành do Ðỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn đều nhận hối lộ bằng tiền, hiện vật với số lượng lớn; trong đó, có bảy thành viên không bị xem xét trách nhiệm hình sự do bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của bị can Đỗ Thị Nhàn.

Riêng bị can Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Liên quan vụ án này, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm hai vụ án, khởi tố mới nhiều bị can; trong đó một số bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc là phương châm nhất quán của cả hệ thống chính trị, là vấn đề cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thế nhưng, những vụ án, vụ việc được đưa ra ánh sáng, theo nhiều đại biểu Quốc hội, chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, có thể còn rất nhiều tảng băng khác chưa vỡ, những tảng băng chìm chưa bị phát hiện. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất làm công tác thanh tra với doanh nghiệp, tổ chức để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước vẫn diễn ra ở một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Đáng chú ý, dư luận xã hội nêu thực tế tuy chưa phổ biến, nhưng rất đáng lo ngại hiện nay, đó là tình trạng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngầm móc ngoặc, cấu kết với đoàn thanh tra khi tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, công tác quản lý kinh tế tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm ý đồ "chạy, xin" dự án, tìm kiếm lợi ích phi pháp trong hoạt động mua sắm, đấu thầu, đấu giá, chỉ định thầu... Trường hợp đạt được ý đồ xấu, trưởng đoàn thanh tra sẽ ban hành kết luận thanh tra theo hướng có lợi, bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm nếu có và ngược lại.

Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc là phương châm nhất quán của cả hệ thống chính trị, là vấn đề cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đánh giá, nhận diện đầy đủ, sâu sắc các hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân nào là chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá, có trọng tâm, trọng điểm để phòng chống hiệu quả.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho biết: Có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ, hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật. Còn theo Bộ Tư pháp, hiện nay còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Mặt khác, trong rất nhiều nội dung nhằm kiến tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức "không muốn, không dám, không thể tham nhũng", có vấn đề trọng tâm được đại biểu Quốc hội và cử tri đặt ra hiện nay là: Làm sao để bảo đảm thống nhất, thông suốt trong nhận thức, quan điểm xử lý công việc; nếu không có hệ quy chuẩn nhận thức hợp lý thì rất dễ dẫn đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sơ hở, bất cập hoặc tạo ra các điều kiện, thủ tục hành chính bất hợp lý, bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu: Vừa qua, trong xử lý một số vụ án liên quan đất đai, nhiều cơ quan chức năng chưa thống nhất với nhau việc xác định giá trị đất tại thời điểm xảy ra vụ án hay tại thời điểm xử lý vụ án, dẫn đến xác định mức thất thoát khác nhau. Có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng qua nhiều lần xác định lại chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, quan điểm của người đứng đầu hai cơ quan tiến hành tố tụng là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao lại rất khác nhau.

Nhìn rộng hơn, theo ý kiến cử tri, đó là nhận thức, quan điểm áp dụng pháp luật của các cơ quan hữu quan trong hệ thống chính trị. Nếu hệ thống pháp luật không đồng bộ, thống nhất, thiếu minh bạch thì rất dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy nghi, tạo cơ hội cho sự thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, bao che, thậm chí tiếp tay, bảo kê cho sai phạm, nhất là trong các lĩnh vực đang nóng và rất phức tạp, nhạy cảm hiện nay như: Ngân hàng, tài chính, quản lý kinh tế, đất đai, tài nguyên, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Qua kết quả thanh tra về lĩnh vực quản lý đất đai tại tỉnh Bình Dương, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số quy định bất cập. Theo Điều 45 Luật Đất đai 2013 và Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì UBND cấp huyện trình duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm "không thông qua HĐND cùng cấp". Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2, Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường là "thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt".

Khi tiến hành hoạt động thanh tra, sẽ căn cứ quy định pháp luật nào để áp dụng? Và như vậy, đối tượng thanh tra làm đúng hoặc sai, sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của người thừa hành công vụ và là tiền đề, điều kiện thuận lợi có thể tiếp tay cho hành vi bao che sai phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận, nhưng rất có thể, từ những sơ hở trong hệ thống pháp luật mà bị can Ðỗ Thị Nhàn đã lợi dụng để làm sai lệch kết quả thanh tra, đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và không kiến nghị chuyển điều tra.

Thời gian tới, thực trạng tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, Quốc hội, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có quyết tâm cao hơn nữa, đề ra các giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực; không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Vừa qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao Chính phủ khi ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, có đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cần làm hơn nữa là phải rà soát, xây dựng và hoàn thiện pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi giúp cán bộ yên tâm cống hiến; chứ không để cán bộ dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là làm trái pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật, không phải đem sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách nhiệm vụ và rồi phải tìm cách lách luật từ việc đặt tên công trình, công việc cho đỡ bị chú ý, hoặc phải trình bày "nhỏ to" để cơ quan thanh tra, kiểm toán bỏ qua hoặc "giơ cao đánh khẽ".

Thời gian tới, thực trạng tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, Quốc hội, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có quyết tâm cao hơn nữa, đề ra các giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực; không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Từ thực tiễn được Chính phủ chỉ rõ "công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt", cần rút ra bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ phải được đặc biệt quan tâm; trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch. Phát huy vai trò người đứng đầu thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với lời nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Ngành thanh tra cần lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt tốt, lên chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; từ đó xây dựng hiệu quả cơ chế răn đe cán bộ để không dám lợi dụng quyền hạn nhằm hợp pháp hóa hoặc bao che sai phạm trong thực thi nhiệm vụ; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động thanh tra, để người làm công tác thanh tra không chịu bất cứ sức ép nào.

Trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế-xã hội, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật.