Phòng chống nước lũ dâng cao

Vừa trải qua đợt ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân vào cuối tháng 7 nhưng những ngày này nhiều huyện ngoại thành Hà Nội lại tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão số 3 và đối mặt nguy cơ lũ dâng cao gây ngập lụt.
0:00 / 0:00
0:00
Ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ cuối tháng 7/2024.
Ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ cuối tháng 7/2024.

Theo thông tin từ Ðài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng vùng áp thấp nhiệt đới, trong những ngày tới trên địa bàn thành phố có mưa vừa, mưa to và giông. Mưa lớn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông và có khả năng gây sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện, như: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai...

Ngoài ra, mực nước sông lên cao, nguy cơ xảy ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Ðà, sông Hồng, sông Ðuống, sông Ðáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ và các vùng trũng; khu vực ven sông các huyện Chương Mỹ, Mỹ Ðức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ðông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên, quận Hà Ðông...

Nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét sạt gây lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân và có thể gây ngập úng cây trồng, hoặc làm cây bị đổ, gây thiệt hại cho mùa màng.

Sau cơn bão số 3, sáng 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã có lệnh báo động cấp I, cấp II trên sông Tích, sông Bùi; đồng thời yêu cầu ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Thọ, Mỹ Ðức và thị xã Sơn Tây, các đơn vị ở địa phận các xã ven đê, các đơn vị thuộc các địa phương nêu trên thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động I, báo động II. Dự báo trong những ngày tới, nước sông Tích, sông Bùi tiếp tục dâng cao kết hợp với lượng nước mưa lớn tràn từ phía tỉnh Hòa Bình về, có thể xuất hiện lũ rừng ngang nguy hiểm.

Ðể chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn, nhất là các xã, thị trấn thường xuyên có nguy cơ ngập, lụt, thiên tai như: Thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai, các xã: Tiên Phương, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Ðộng, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hồng Phong, Ðồng Lạc, Trần Phú... kiểm tra, gia cố công trình giao thông, cầu, nhà ở; sẵn sàng triển khai phương án khi lũ dâng cao, chuẩn bị phương tiện bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho người dân vùng bị ngập lụt, thiên tai.

Xí nghiệp Ðầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra, chạy thử tải 22 trạm bơm, với tổng số 91 máy và bố trí nhân lực sẵn sàng tham gia chống úng; đồng thời tiếp tục vận hành các máy bơm hạ mực nước ba hồ chứa lớn và các trục tiêu trên hệ thống, phối hợp với các xã giảm mực nước tại các khu nuôi trồng thủy sản để giảm áp lực tiêu.

Tại huyện Quốc Oai, do ảnh hưởng bão số 3, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, gió mạnh. Ðến trưa 8/9, mưa, gió đã làm hơn 250 ha lúa bị gãy đổ, gần 700 ha lúa bị ngập, hơn 180 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập... Các trạm bơm đang tập trung tiêu thoát nước trong đồng để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, mặc dù bão số 3 đã qua nhưng diễn biến thời tiết sau bão còn phức tạp, khó lường. Nước trong đồng đang ở mức cao, cộng với nước sông đang dâng nhanh, đe dọa an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi. Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục phân công lực lượng trực 24 giờ mỗi ngày tại các điểm xung yếu, các khu vực tuyến đê bao hữu Ðáy và đê sông Tích để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều, tránh bị động bất ngờ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và công trình thủy lợi. Ðối với việc xử lý ngập úng trong đồng, đơn vị thủy lợi phải vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước đệm cho các khu vực sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng ứng phó nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn.