Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp.
Nhà thầu khẩn trương thi công cầu Văn Ly bắc qua sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.
Nhà thầu khẩn trương thi công cầu Văn Ly bắc qua sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Thử cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của toàn tỉnh hơn 8.884,283 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 hơn 7.056,868 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.194,975 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.861,893 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 1.827,415 tỷ đồng. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ nguồn vốn năm 2024 cho các ngành và các địa phương hơn 6.607,900 tỷ đồng, đạt 93,6%.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/8, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân hơn 3.346 tỷ đồng, đạt 37,8%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn bình quân cả nước. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024, giải ngân hơn 2.609 tỷ đồng, đạt 38% và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 736,7 tỷ đồng, đạt 37%. Đáng nói, có 15 sở, ban, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh và 5/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh, gồm thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và các huyện: Quế Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt thấp được các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương lý giải là do đặc thù tỉnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn. Công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư còn chậm, kéo dài; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế, người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung. Cùng đó, lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương còn hạn chế, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp…; đơn giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, tình trạng thiếu đá, cát sỏi tại nhiều địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng nhìn nhận, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; một số thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chưa sâu sát cơ sở; cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; chất lượng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững. Nhiều địa phương chưa quan tâm, thiếu chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới, nhất là chậm phân bổ nguồn vốn, thẩm định, đầu tư...

Kiên quyết điều chuyển vốn

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm. Công tác rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 cũng đang được tiến hành đối với các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát công tác giải ngân từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp, khẩn trương tham mưu điều chuyển vốn đầu tư công năm 2024. “Báo cáo ban thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, cấp ủy cơ quan và kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan trước khi đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án khác bảo đảm khối lượng, có khả năng giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị, địa phương hoặc đề nghị điều chuyển cho các đơn vị, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ cụ thể và nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật hoặc các nguyên nhân khách quan khác mà không thể khắc phục. Qua đó, xác định rõ nếu có dự án nào không kịp triển khai và giải ngân phải điều chuyển kế hoạch vốn; trường hợp có khả năng giải ngân thì phải nhanh chóng có biện pháp triển khai quyết liệt, thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, chỉ đạo.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường vai trò, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên theo dõi, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ chủ đầu tư hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chuyển kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư, địa phương tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh trong tháng 9 này.