Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long bàn và triển khai các giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, cùng đồng tâm, hiệp lực phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân toàn vùng đồng bằng trù phú này.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị.

Ngày 27/9, tại tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng gồm các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư (Phó Chủ tịch Thường trực); Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải.

Trình bày báo cáo về một số nội dung liên quan việc phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nêu rõ, đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông MeKong.

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Các đại biểu tại hội nghị.

Việc quản lý và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, được chú trọng; chủ động hơn trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục-đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện.

Thực tế cũng cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế như quy mô kinh tế nhỏ, chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao.

Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Công nghiệp chế biến chưa phát triển; nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ để tập trung cho xuất khẩu.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước có xu hướng gia tăng, nhất là ở các khu đô thị. Phát triển văn hóa-xã hội còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương trong vùng khá rõ rệt.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã phát biểu làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng và các cơ quan, đơn vị liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị lớn về cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng, nguồn nhân lực,… nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu nêu rõ thuận lợi, khó khăn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn đến 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước.

Theo đó, xây dựng Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang để bổ trợ cho thành phố Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng.

Đồng thời, xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng chính về thu gom, phân loại, chế biến nông sản, gồm 2 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt (thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo); 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản và 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái nêu rõ, các nhiệm vụ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng. Các giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu đó phải rõ ràng, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh.

Vấn đề này trong các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của các Đảng bộ tỉnh, thành phố trong vùng cũng đã nêu.

Đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu, tại hội nghị này, nhiệm vụ đặt ra là phải làm như thế nào để căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh và thực hiện các chủ trương, các văn bản quy định pháp luật để thực hiện thật tốt nhằm sớm đưa đồng bằng sông Cửu Long thật sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.