Phát triển xuất bản điện tử

Hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021 là con số được Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022 vừa diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Một số tác phẩm văn học trong nước trên website của Nhà xuất bản Trẻ. (Ảnh: nxbtre.com.vn)
Một số tác phẩm văn học trong nước trên website của Nhà xuất bản Trẻ. (Ảnh: nxbtre.com.vn)

Con số này cho thấy xu hướng sử dụng sách điện tử đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần mở rộng và nâng cao văn hóa đọc trong mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân. Và xuất bản điện tử cũng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm 2023.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, sách điện tử đã bắt đầu manh nha trên thị trường từ khoảng 10 năm về trước và đang có những bước nhảy vọt trong khoảng vài năm trở lại đây. Thời điểm năm 2015 chỉ có khoảng 1.163 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu nhưng đến năm 2022, con số đã là hơn 2.300 xuất bản phẩm. Năm 2018 mới chỉ có hai nhà xuất bản tham gia thị trường xuất bản điện tử thì hiện nay đã có tới 19 nhà xuất bản phát hành sách trên các nền tảng số. Thay đổi nhận thức chuyển đổi số lấy nhiệm vụ trọng tâm là phát hành sách điện tử đang được các đơn vị xuất bản xem là mối quan tâm hàng đầu.

E-book (sách điện tử) hiện có nhiều nền tảng để độc giả chọn lựa như Ebook.vn, DTV ebook. Một số ứng dụng sách nói (Audiobook) như Fonos, Voiz FM, Waka... cũng đã trở nên quen thuộc với độc giả, nhất là sau thời kỳ đại dịch Covid-19, sách nói đã trở thành công cụ tiện ích cho nhiều người khi muốn tiếp cận với tri thức.

Những ưu điểm không thể phủ nhận của sách điện tử là khả năng tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái, khả năng hỗ trợ tốt về công nghệ phù hợp nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận của người dân.

Ngoài ra, xét về tính thương mại, sách điện tử có lợi thế hơn trong các phương thức phát hành và phân phối. Giờ đây, dù ở đâu, độc giả cũng có thể tiếp cận những cuốn sách mà họ muốn, không phải mất quá nhiều thời gian, chỉ nhờ vào sự hỗ trợ của một vài thiết bị công nghệ.

E-book (sách điện tử) hiện có nhiều nền tảng để độc giả chọn lựa như Ebook.vn, DTV ebook. Một số ứng dụng sách nói (Audiobook) như Fonos, Voiz FM, Waka... cũng đã trở nên quen thuộc với độc giả, nhất là sau thời kỳ đại dịch Covid-19, sách nói đã trở thành công cụ tiện ích cho nhiều người khi muốn tiếp cận với tri thức.

Ở một phương diện khác, nếu các đơn vị làm sách phát triển tốt hệ thống sách điện tử thì việc mở rộng văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa hết sức hiệu quả.

Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015-2019" được Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay có tới 92,5% số hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng điện thoại di động và 10,3% số hộ gia đình có sử dụng máy tính. Ðây là cơ sở nền tảng để các đơn vị xuất bản có thể đưa sách, tài liệu, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đến với người dân thông qua các ứng dụng sách điện tử.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù sách điện tử có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua nhưng nhìn vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tiềm lực về nền tảng công nghệ của các nhà xuất bản cho việc làm sách điện tử còn rất hạn chế, cả về máy móc và nhân lực. Chúng ta cần có một chiến lược dài hơi trong đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyên môn xuất bản điện tử.

Song song với đó là đổi mới tư duy đầu tư công nghệ, nâng cấp, cập nhật các tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Không thể phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ phân khúc xuất bản điện tử nếu không đáp ứng được những yếu tố đầu tiên là con người và công nghệ.

Ngoài ra là sự thông thoáng trong chính sách pháp lý, làm sao để việc cấp phép sách điện tử được nhanh chóng, thuận lợi cho các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả, xử lý các vi phạm trong quyền tác giả cũng cần được chú trọng.

Các chuyên gia cho rằng, ngành xuất bản cần xây dựng một chiến lược mang tầm quốc gia về xuất bản sách điện tử với các chủng loại như e-book, audiobook và VR book (sách thực tế ảo). Mỗi chủng loại sách điện tử đều cần có những yêu cầu riêng trong đầu tư hạ tầng công nghệ và nhân lực. Có như vậy, chúng ta mới có thể tạo ra một thị trường sách điện tử sôi động, nhiều lựa chọn, mở rộng văn hóa đọc trong nhân dân.