Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng GDMN (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên đạt 73,7%; chuẩn nghề nghiệp đạt 86,8%. Trong năm học vừa qua, các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; số giáo viên được tuyển trong năm học vừa qua tại một số địa phương là 17.605 người.
Trong năm học, các tỉnh tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp, điểm trưởng lẻ, thực hiện điều chỉnh sáp nhập địa giới hành chính nên quy mô trường lớp có nhiều thay đổi so với năm học trước. Với sự đầu tư cơ sở vật chất, toàn quốc hiện có 15.461 trường mầm non, 23.960 điểm trường lẻ, so với năm học trước giảm 40 trường, giảm 2.278 điểm trường lẻ, với tỷ lệ bình quân 1,39 trường mầm non/đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ điểm trường lẻ/trường mầm non là 1,55 (chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi). Tỷ lệ phòng kiên cố các vùng đều tăng so với năm học trước, một số tỉnh đạt cao như: Hà Nội 97%, Vĩnh Phúc 89%, Bắc Ninh 100%, Quảng Ninh 92%, Hải Phòng 91%, Thái Bình 97%, Đà Nẵng 95%, TP Hồ Chí Minh 96%, Trà Vinh 91%.
Đồng thời, trong năm học vừa qua, ngành GDMN đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; Xây dựng và ban hành được những văn bản quan trọng, tạo động lực cho giáo dục mầm non phát triển; Về cơ bản khắc phục được tình trạng bạo hành trẻ, tình trạng để mất an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được cải thiện rõ rệt...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống trường mầm non ở những địa bàn có khu công nghiệp chỉ đáp ứng được việc chăm sóc cho 44,4%, còn lại 55,6% (trẻ được chăm sóc giáo dục tại các nhóm/lớp độc lập tư thục), nhất là tại các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp áp lực gửi trẻ là con công nhân, con người lao động rất lớn như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Long An... Vẫn còn nhiều phòng học nhờ, học tạm, mượn như: Hà Giang: 249 phòng, Tuyên Quang: 172, Bắc Giang: 216, Điện Biên: 463, Sơn La: 287, Ninh Bình: 232, Thanh Hóa 471… gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ. Tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương chậm được khắc phục, tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ...
Tại hội nghị, Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, toàn ngành chịu tác động từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong đó trẻ em mầm non phải tạm dừng đến trường trong khoảng bốn tháng nên các cơ sở GDMN gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình GDMN và bảo đảm an toàn cho trẻ. Đây cũng là năm học diễn ra nhiều sự kiện đối với GDMN, trong đó xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản để thực hiện Luật Giáo dục; các địa phương tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Tăng cường tiếng việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu đánh giá thực trạng thực hiện nhiệm vụ cũng như chia sẻ những điểm sáng, mô hình hay, đồng thời chỉ rõ hạn chế tồn tại, cần thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan nào để xảy ra hạn chế, tồn tại, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đề xuất thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.
Bên cạnh đó, tập trung thảo luận các vấn đề sau: Rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục; Công tác quy hoạch mạng lưới GDMN, trong đó có giải pháp cho những đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non; Việc xóa hoặc dồn ghép các điểm trường; giải quyết phòng học tạm, học nhờ, phòng học hai buổi/ngày; Công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh ở các điểm trường vùng núi, khó khăn; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế; Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chuẩn mới của Luật Giáo dục năm 2019, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống; giảm áp lực thời gian và hồ sơ sổ sách cho giáo viên; Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ; công tác truyền thông.