Nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4-4

Trợ giúp xã hội cho các nạn nhân bom mìn

NDO -

Vào giai đoạn 2016-2020, khoảng 18.000 tỷ đồng được dành thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nhiều nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học. 

Ảnh minh họa: VNMAC.
Ảnh minh họa: VNMAC.

Bảo đảm quyền bình đẳng cho nạn nhân bom mìn

Thời gian qua, các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật (NKT).

Tại Kỳ họp thứ bảy và Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua ba luật sửa đổi, bổ sung.

Các văn bản quan trọng này đã lồng ghép các quy định nhằm bảo vệ quyền của NKT. Đó là Luật Kiến trúc, Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi).

Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 383/2019/QĐ-CTN ngày 11-3-2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế về phục hồi chức năng (PHCN) lao động và việc làm cho NKT. Các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác NKT trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã bảo đảm cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; được chăm sóc sức khỏe, PHCN, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho NKT nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Trong số này, có cả các nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Tính đến năm 2020, hơn ba triệu NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/TT-LĐTBXH ngày 2-1-2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) với NKT, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.

18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội

Về trợ cấp hằng tháng, trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cho các địa phương 18.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT theo Thông tư liên tịch số 42/2013 ngày 31-12-2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.

Đến nay, hơn 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, hơn 125.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc NKT tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hơn 10.000 trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở TGXH trên toàn quốc.

Công tác chăm sóc y tế và PHCN (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) cũng được quan tâm.

Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về PHCN tại cơ sở và PHCN tại cộng đồng. Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả BHYT cho NKT, nhất là dụng cụ chỉnh hình.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội đến năm 2030. Cụ thể, tập trung các mục tiêu phát triển hệ thống bệnh viện chỉnh hình, PHCN, các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và PHCN, nhằm đáp ứng nhu cầu của NKT.

Trên toàn quốc hiện có hơn 90.000 trẻ khuyết tật nặng bao gồm nạn nhân bom mìn có khả năng học tập đang đi học. Các em chủ yếu tham gia học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt, 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, hai trường đại học sư phạm và ba trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille cho NKT. Cùng với đó, có các tài liệu hướng dẫn về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non, đánh giá học sinh khuyết tật cấp tiểu học, sử dụng bộ công cụ ASQ-3 trong các cơ sở giáo dục mầm non…; tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT; nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và phương pháp nhận diện NKT trong giáo dục theo chuẩn quốc tế.

Vào giai đoạn 2016-2020, cả nước giải quyết việc làm mới cho tám triệu lao động, trong đó khoảng 10% là NKT, nạn nhân bom mìn. Riêng năm 2019, đã hỗ trợ cho 2.277 NKT vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 NKT.

Phát triển dịch vụ công tác xã hội, phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn

Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12-9-2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở TGXH, đến nay, mạng lưới các cơ sở TGXH đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 425 cơ sở.

Trong số này, có 73 cơ sở chăm sóc NKT (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, PHCN, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những NKT.

Mạng lưới các cơ sở TGXH đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều loại đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau. Trong đó, số đối tượng là người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần có tỷ lệ lớn 46,5%; trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi có tỷ lệ 19,3%; người già cô đơn có tỷ lệ 10,3%; trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS có tỷ lệ 1,4%.

Mạng lưới này cũng kết hợp các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho NKT bao gồm cả nạn nhân bom mìn tại một số địa phương. Đó là: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, cả nước có bảy bệnh viện chỉnh hình và PHCN cho NKT, nạn nhân bom mìn thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý, đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, Ninh Bình, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh; hai Trung tâm PHCN cho NKT, nạn nhân bom mìn Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật Thụy An, Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh; 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập. Bốn trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và ba trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo viên trình độ cử nhân và cao đẳng sư phạm tật học.

Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở TGXH đã giúp 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học có cơ hội đến trường.

* Đến tháng 12 năm 2020, nước ta  còn 5,64 triệu héc-ta diện tích bị ô nhiễm bom mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực để làm sạch các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi cả nước. Kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc. Diện tích ô nhiễm càng ngày càng thu hẹp lại, số vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra giảm dần.