Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước

NDO - Ngày 15/12, tại Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị được tổ chức thường niên trong khuôn khổ chương trình phối hợp công tác giữa các đơn vị nêu trên nhằm chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu; chia sẻ, cập nhật chính sách cũng như trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hội nghị cũng là diễn đàn để các đơn vị, nhà khoa học đề xuất cơ chế, giải pháp tăng cường phối hợp triển khai các chương trình quốc gia, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Tại hội nghị, các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai chiến lược khoa học và công nghệ, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đồng thời góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các trao đổi, thảo luận chung quanh các nội dung như: Một số vấn đề về triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; vấn đề xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khoa học và Công nghệ; hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam - Kinh nghiệm thực tiễn của VinAI; chính sách và chỉ số khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Phát triển đào tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực thi Nghị quyết bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu của đất nước.

“Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh” - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn khẳng định.

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn

Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước như: Chương trình Tây Nam Bộ, Chương trình Tây Bắc, Xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học….

Trong năm 2023, hai đại học quốc gia cũng tiếp tục tham gia phát triển các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia như: Chương trình chip, bán dẫn, hydrogen, công nghệ sinh học, y - dược, khoa học biển, khoa học sức khỏe…

Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước ảnh 1

Nhà khoa học phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Chung quanh Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học và công nghệ mà còn của tất cả các ngành, các cấp, do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạ Minh Tuấn chia sẻ, dưới góc độ các quy định, quy chế cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định; là công cụ đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng và các sản phẩm sáng tạo, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, đổi mới, phát minh, sáng chế; tạo dựng niềm tin, động lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới; thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trên thế giới, kiến tạo thị trường khoa học…

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia thì cần thực hiện những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong tư duy người hoạch định chính sách, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển.

Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước ảnh 2

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kết luận tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, hai viện hàn lâm và hai đại học quốc gia nhằm tư vấn chính sách, định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu, cũng như trao đổi, thảo luận về chiến lược, kế hoạch phát triển và định hướng hoạt động….

Nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 cũng được tham vấn trong quá trình xây dựng, qua đó huy động sức mạnh của đông đảo các nhà khoa học tại bốn cơ quan đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Thông qua các đề xuất, kiến nghị được đưa ra tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quan tâm, phối hợp hai đại học quốc gia, hai viện hàn lâm nhằm phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước.