Ngày 29/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo ở Nam Bộ giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn 2030”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh, kỷ nguyên số tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho nước ta hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn với nền kinh tế thế giới. Thúc đẩy chuyển đổi số giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác nếu chúng ta tận dụng được những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Muốn chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng nhất thiết phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cụ thể là đội ngũ nhân lực số dồi dào, chất lượng để phục vụ quá trình chuyển đổi, định hình và phát triển nền kinh tế số. Đây là lực lượng lao động chính quyết định sự thành bại của công cuộc chuyển đổi này. Vì vậy, sự chuyển đổi mô hình kinh tế ở nước ta sang nền kinh tế số là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển nhân lực số là lẽ tất yếu.
Để có thể tạo ra lực lượng đủ về cả chất và lượng theo yêu cầu đặt ra của công cuộc chuyển đổi số, các nhà chuyên môn cho rằng cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh đến thực hiện đồng bộ hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế.
Việc xây dựng, triển khai tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoàn thiện chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng phát biểu tại hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo là “tiền đề thực tiễn cần thiết” cho sự phát triển của nguồn nhân lực nói chung và cho quá trình đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực số nói riêng. “Quá trình chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo đã cung cấp những thực tiễn sinh động, những kinh nghiệm lịch sử để phát huy tiềm năng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nói.
Hội thảo là diễn đàn đối thoại, trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo ở Nam Bộ. Đồng thời, là cơ sở xây dựng khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo ở vùng Nam Bộ giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.