2 sản phẩm của EVNCPC được trao giải thưởng công nghệ số “Make in Việt Nam 2022”

Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) có 2 sản phẩm đoạt giải đó là công-tơ điện tử - top 10 hạng mục “Kinh tế số” và trạm sạc xe điện - top 10 hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Thái Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung nhận giải thưởng top 10 sản phẩm kinh tế số.
Ông Thái Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung nhận giải thưởng top 10 sản phẩm kinh tế số.

Ngày 8/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2022.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ công bố và trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam 2022.

Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền trung (CPCEMEC) - Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) vinh dự có 2 sản phẩm đoạt giải. Đó là công-tơ điện tử - top 10 hạng mục “Kinh tế số” và trạm sạc xe điện - top 10 hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”.

Sản phẩm công nghệ số “Make in Việt Nam 2022”; là giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông xét và trao tặng hằng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam và thời đại.

Sau gần 6 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận hơn 200 hồ sơ tham gia giải thưởng. Để vào vòng bình chọn, sơ loại và chung kết, EVNCPC đã chứng minh được những giá trị thực tế lớn mang lại từ sản phẩm cho người tiêu dùng, cộng đồng. Giải thưởng năm nay gồm 4 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số; sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số và sản phẩm số tiềm năng.

Với chủ đề “Hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, triển lãm đã mang đến nhiều gian hàng với đa dạng sản phẩm công nghệ số thể hiện được hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tại không gian triển lãm có hơn 20 gian hàng đến từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới ở nhiều lĩnh vực.

Hai sản phẩm đoạt giải sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022 của Tổng công ty Điện lực miền trung cũng được tham gia trưng bày tại triển lãm.

Sản phẩm công-tơ điện tử do đội ngũ kỹ sư EVNCPC tự nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay với 28 chủng loại công-tơ điện tử 1 pha, 3 pha, 1 biểu giá, nhiều biểu giá. Các sản phẩm đáp ứng tất cả nhu cầu đo đếm điện năng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn đo lường, hợp chuẩn hợp quy của Việt Nam.

 2 sản phẩm của EVNCPC được trao giải thưởng công nghệ số “Make in Việt Nam 2022” ảnh 1

Ông Ngô Huy Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền trung - nhận giải thưởng top 10 sản phẩm số tiềm năng.

Tính đến hết năm 2021, toàn EVN có 29,8 triệu công-tơ bán điện cho khách hàng, trong đó có 21,6 triệu công-tơ điện tử, chiếm 72,4% và 8,2 triệu công-tơ cơ khí tương ứng khoảng 27,6%. Như vậy, nhu cầu sử dụng công-tơ điện tử của EVN đến năm 2025 là khoảng 8,2 triệu chiếc.

Hệ thống công-tơ điện tử EVNCPC là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản phẩm và dịch vụ của ngành điện đã lan tỏa nhiều lợi ích cho những ngành nghề khác thúc đẩy phát triển về lĩnh vực kinh tế số như: viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, logistics,…

Sản phẩm trạm sạc nhanh cho xe ô-tô điện là thành quả của đội ngũ các kỹ sư cán bộ kỹ thuật của EVNCPC nghiên cứu chế tạo. Hiện nay, CPCEMEC đã triển khai lắp đặt trạm sạc cho 13 Công ty Điện lực thành viên và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil). Trạm sạc điện nhanh cho xe ô-tô với các tính năng đa dụng như nhiều chế độ sạc, sạc song song 2 vòi cùng một lúc, thiết kế theo hướng module hóa, hỗ trợ tiêu chuẩn sạc khác nhau, kết nối cổng thanh toán VNPay, quản lý mạng lưới trạm sạc và trạng thái hoạt động. Trạm sạc xe điện góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho người sử dụng xe ô-tô; tiết kiệm chi phí khi mua thiết bị ngoại nhập; giảm ô nhiễm môi trường; tạo cơ sở hạ tầng kích cầu cho việc phát triển xe ô-tô điện...

Năm nay, với chủ đề chính của diễn đàn là “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2022 được tổ chức nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép: vừa phát triển đồng bộ ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.