Phát triển kinh tế sáng tạo để đem lại giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế

NDO - Tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, và thu nhập cao hơn cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 12/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua.

Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.

Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, và thu nhập cao hơn cho người lao động.

Đối với Việt Nam, việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là điều kiện bắt buộc để đạt các mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn khi các đầu vào tăng trưởng truyền thống như vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần đạt ngưỡng giới hạn.

Vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 đã nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá về năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi.

“Chúng ta cũng chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Khảo sát của chúng tôi tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh nói.

Từ thực tiễn đó, CIEM đã đề xuất việc thực hiện nghiên cứu về phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam. Hướng tới một nghiên cứu bài bản ngay từ đầu, CIEM tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển kinh tế sáng tạo, từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách.

Tại hội thảo, CIEM giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu về phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam hiện nay.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, nền kinh tế sáng tạo được định nghĩa là nền kinh tế hình thành dựa trên các chu trình lên ý tưởng, phát triển, sản xuất, phân phối và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, gắn với thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Thời gian đầu, kinh tế sáng tạo gắn chặt với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hoá, thiết kế… sau đó được mở rộng ra khoảng 13 ngành riêng biệt khác, bao gồm một số ngành mới như phần mềm giải trí tương tác, phần mềm máy tính.

Tại Việt Nam có nhiều nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo như dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và việc tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.