Bảo vệ sản phẩm trí tuệ trong môi trường số

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 đã tạo nên làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam. Chuyển đổi số và không gian số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm trí tuệ sáng tạo, trong đó có vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn”.
Một cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn”.

Tại hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số tại Hà Nội, ông Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam cho rằng tình trạng xâm phạm bản quyền của Việt Nam là không hề ít. Tuy các luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng hành vi và phương thức của người xâm phạm rất tinh vi, tình trạng vi phạm phức tạp, chế tài xử phạt không thoả đáng, thời gian điều tra và xử phạt kéo dài.

Có thể nêu thí dụ cụ thể, cho đến khi trang website phimmoi.net bị khởi tố hình sự với tội danh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì thời gian điều tra đã kéo dài hơn 10 năm. Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài hát Gánh mẹ của tác giả Trương Minh Nhật kéo dài hơn 5 năm. Tương tự, bộ phim Cô Ba Sài Gòn do hãng BHD phát hành, trong ngày đầu tiên khởi chiếu đã bị quay trộm và phát tán trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Có thể thấy, tài sản trí tuệ hay tài sản số hóa là sản phẩm của công nghiệp văn hóa, rất cần được công nhận, định giá và bảo vệ. Các sản phẩm này được phân phối trong không gian số, rất khó kiểm soát việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tác phẩm điện ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, vì vậy hành vi livestream và phát tán bộ phim khi chưa được phép là xâm phạm quyền tác giả.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch BHD (Vietnam Media Corp.) cho rằng: Một bộ phim được đầu tư rất lớn, nhưng người thực hiện hành vi quay trộm, phát tán lên mạng xã hội, gây thiệt hại cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim thì chỉ bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Điều này không tương xứng khi so sánh trường hợp một cá nhân trộm cắp xe máy có thể bị phạt tù, trong khi xâm phạm tài sản trí tuệ có giá trị hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như một bộ phim thì chỉ bị phạt 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tài sản trí tuệ còn thấp, lỗi một phần thuộc về truyền thông và ý thức, thái độ của người thụ hưởng. Ngay khi website phimmoi.net bị chặn, không truy cập được, hàng loạt website phim lậu mới với tên miền tương tự được cải biến một vài ký tự, giao diện gần giống phimmoi.net ngay lập tức thay thế, tiếp cận và hướng dẫn người xem cách truy cập. Trên các trang fanpage, người xem hô hào, hướng dẫn nhau kéo qua link web mới với tốc độ lan truyền và lượt xem trên mạng tăng nhanh chóng mặt.

Một thực trạng phổ biến hiện nay gây ảnh hưởng xấu đến doanh thu, khiến các nhà sản xuất phim lao đao không kém là hành động nhận xét, đánh giá tổng quan (review) phim trên các nền tảng TikTok, Facebook, YouTube. Bộ phim dài gần hai giờ, song đội ngũ những người review phim tóm tắt, cắt ghép nội dung chi tiết, lồng ghép phụ đề trong các video dài khoảng 2 phút rồi đăng tải, chia sẻ lên mạng. Hành động ngang nhiên vi phạm bản quyền, nhưng lại thu được lượng tương tác rất cao.

Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động và thích ứng nhanh với bối cảnh chuyển đổi số trên toàn cầu. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển dịch mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ từ trực tiếp sang trực tuyến trên các nền tảng số.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ở tầm vĩ mô, cấp độ quốc gia, nhiều văn bản luật, quy định nhằm tạo không gian số an toàn cũng như các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa lần lượt được ban hành, nổi bật là Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung nhằm phát triển 12 ngành văn hóa, sáng tạo trở thành những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các nhu cầu về sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra người chơi mới, công chúng mới, thị trường mới và mô hình kinh doanh mới đòi hỏi Nhà nước và các bên tham gia, cần sự kết nối giữa văn hóa sáng tạo với thông tin truyền thông và khoa học công nghệ, cũng như cần hệ thống đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, chiến lược để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống chính sách để phát triển trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chậm hoàn thiện, dù một số luật liên quan đến sở hữu trí tuệ đang được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Vì vậy, trước mắt, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà mạng ngăn chặn, không tạo điều kiện cho các đơn vị xâm phạm cũng như người dùng tiếp cận hay tìm kiếm, truy cập những từ khóa liên quan các website vi phạm để các nhà sản xuất yên tâm phát triển các sản phẩm trên môi trường số.

Các nhóm sáng tạo, nhà sản xuất, doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa cũng cần hợp tác, thông qua các hiệp hội kiến nghị thay đổi chính sách, cần thiết thành lập tòa án bảo vệ sở hữu trí tuệ chuyên giải quyết, xử lý những vụ án về sở hữu trí tuệ. Nghệ sĩ, người sáng tạo nội dung số, người truyền cảm hứng, người có sức ảnh hưởng… tham gia tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng của mình, câu lạc bộ người hâm mộ không xem phim lậu, nghe nhạc lậu, cần hướng đến việc thụ hưởng tài sản trí tuệ có giá trị văn hóa thực sự.

Văn hóa và sáng tạo là chìa khóa thành công của nền kinh tế tri thức, vì vậy cần tập trung nâng cao nhận thức, sự hiểu biết đa chiều và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị tài sản trí tuệ, bởi đây là lực lượng tiêu dùng có nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa số, cũng là động lực lớn để ngành công nghiệp văn hóa số phát triển.

Bảo vệ sản phẩm trí tuệ trong môi trường số ảnh 1

Một tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. (Ảnh: XUÂN MAI)