Từ đó, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ của nhân dân hai nước về sự hợp tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.
Nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, sáng 3/11, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường đại học Việt-Nhật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử quan hệ bang giao lâu dài. Ngày 21/9/1973, hai quốc gia ký kết văn bản, chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Từ đó đến nay, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường và củng cố; đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu và là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hai nước đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hội thảo khoa học quốc tế trên quy tụ nhiều nhà khoa học, sử học hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản. Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu về Việt Nam của các học giả Nhật Bản và đánh giá kết quả nghiên cứu về Nhật Bản của các học giả Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, sử học hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản. |
Bàn về trào lưu và khuynh hướng nghiên cứu Nhật Bản học tại Việt Nam, GS, TS Nguyễn Văn Kim, Giám đốc Trung tâm Biển và hải đảo (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận định: “Từ thời kỳ Đổi mới (1986), Việt Nam thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu về Nhật Bản đã trở thành xu thế trên quy mô toàn quốc. Cùng với những công trình nghiên cứu trong nước, nhiều chuyên khảo nổi tiếng của các học giả Nhật Bản và quốc tế đã được dịch sang tiếng Việt. Nguồn tài liệu quan trọng này đã góp phần thúc đẩy và mở rộng tầm nhìn cho việc học tập, nghiên cứu Nhật Bản”.
Việc thành lập các cơ sở nghiên cứu, đào tạo là nhân tố quan trọng trong việc định hình, tạo động lực cho sự phát triển về tổ chức và xây dựng lực lượng nghiên cứu ở Việt Nam. Trong khoảng 30 năm, trào lưu và khuynh hướng chính được các nhà nghiên cứu Việt Nam tập trung quan tâm gồm: lịch sử; kinh tế; quan hệ quốc tế, chính trị; văn hóa, xã hội và nghiên cứu liên ngành trong những năm gần đây.
Các định hướng nghiên cứu này đã phản ánh sự đa dạng về nội dung và đầu tư công phu cho khoa học. Nhiều đề tài thể hiện được sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế. Các trung tâm, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về Nhật Bản tại Việt Nam được thành lập và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, đạt được thành tựu cao hơn trong nghiên cứu.
Hội thảo đã mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của hai nước được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. Kết quả của buổi thảo luận sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực khoa học và giáo dục lịch sử ở Việt-Nhật trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng sẽ gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới cho ngành sử học ở Việt Nam và Nhật Bản; hướng đến thúc đẩy phát triển cho lĩnh vực giáo dục ở nước ta.