Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có hệ thống kênh mương hơn 8.000 km, 1.420 đập dâng, 382 trạm bơm và 200 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích khoảng một triệu m3 nước. Các công trình thủy lợi của hai địa phương đáp ứng năng lực tưới cho ngành nông nghiệp khoảng 163.000 ha. Ngoài chức năng chính là điều tiết, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hệ thống dẫn nước quan trọng này còn phục vụ sản xuất công nghiệp...
Ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi
Để nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam có Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 13/1/2021 đưa ra nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng hệ thống tưới. Giai đoạn năm 2021-2025, tỉnh Quảng Nam ưu tiên đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 285 tỷ đồng.
Một trong những hạ tầng lớn được đầu tư tại tỉnh Quảng Nam là kênh N30 Cầu Máng ở huyện Phú Ninh. Hệ thống tưới được xây dựng mới thay thế 7 trạm bơm cũ xuống cấp, bảo đảm cung cấp nước tưới 1.800 ha đất thường xuyên bị nhiễm mặn.
Kênh N30 Cầu Máng ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đảm bảo cung cấp nước tưới 1.800 ha đất thường xuyên bị nhiễm mặn. |
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Các công trình hạ tầng tưới cho ngành nông nghiệp được đầu tư, củng cố giúp công tác vận hành hệ thống đồng bộ, hiệu quả hơn; đồng thời giải quyết được bài toán thiếu nước, nhiễm mặn trên đất nông nghiệp.
Hạ tầng thủy lợi từng bước được đầu tư, kiên cố hóa bảo đảm tải nước phục vụ sản xuất; tăng mức ổn định cấp nước, giảm tổn thất, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cũng như tăng cấp nước phục vụ công nghiệp, du lịch, góp phần gia tăng giá trị sử dụng nguồn nước.
Trong ba năm qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn tỉnh. Cùng với gia cố đê, kè bảo vệ hệ thống sông, suối, đơn vị còn đầu tư, nâng cấp 1.200m kênh tưới đưa nước đến 1.700 ha đất nông nghiệp thường xuyên khô hạn, bỏ hoang.
Ba năm qua, nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi kiên cố hóa hơn 11.300m kênh mương, nâng tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động lên 71% và 27% diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi Võ Đoàn, hệ thống kênh đấu nối, liên kết nhau để tải nước hiệu quả. Hiện ngành nông nghiệp xây dựng đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi để cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh, giúp các địa phương chủ động củng cố, đầu tư hạ tầng.
Hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp
Đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông nghiệp nói chung và hệ thống kênh mương, thủy lợi nói riêng được đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực và tài nguyên nước là điều kiện quan trọng giúp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hình thành và phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp lớn.
Một trong những mục tiêu cụ thể của tỉnh Quảng Nam là đến năm 2025 ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa đạt 90%; ứng dụng cơ giới hóa vùng chuyên canh, vùng sản xuất giống lúa, ngô, rau thực phẩm, dược liệu giống hơn 95%, tỷ lệ diện tích sản xuất được tưới tiết kiệm đạt hơn 35%.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu chủ yếu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025 là đạt tốc độ tăng trưởng từ 4-5%/năm; giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác nông nghiệp đạt 100 triệu đồng.
Để đạt mục tiêu này, các địa phương chú trọng công tác quản lý, vận hành đồng bộ hệ thống tưới, tiêu nước bảo đảm chuyển tải nước nhanh, giảm tổn thất nước, ổn định trong mùa mưa lũ và cung ứng đủ cho nông nghiệp.
Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang quản lý hơn 8.000 km kênh mương, 1.420 đập dâng, 382 trạm bơm đưa hàng triệu m3 nước về vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả công tác đầu tư và vận hành bảo đảm nguồn nước tưới hàng chục nghìn ha, thay đổi tập quán sản xuất theo chủ trương cũng như định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Những vùng chuyên canh lúa giống, lúa thương phẩm, rau xanh… của các hợp tác xã, nông dân ở tỉnh Quảng Nam đạt giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp, đưa thu nhập của nông dân tăng 20-30% so với trước. Theo Giám đốc Hợp tác xã quản lý hồ đập Hố Lau (huyện Phú Ninh) Võ Thám: “Nhà nước đầu tư và giao địa phương, hợp tác xã chúng tôi quản lý vận hành. Việc kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đã giúp nước về cánh đồng lớn, ở xa nhanh hơn trước và tiết kiệm nguồn nước rất lớn”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý, hệ thống tưới hiện cơ bản phục vụ sản xuất nhưng trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thì có nhiều vấn đề đặt ra như xâm nhập mặn, nguồn nước mặt sau năm 2030 có khả năng thiếu hụt.
Kênh liên xã Đức Phong-Đức Lân huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đưa nước về các vùng dồn điền đổi thửa. |
Vì vậy, cần quy hoạch để tìm nước và giữ nước. Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống kênh mương thủy lợi, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cần rà soát, triển khai các công trình thủy lợi đã được quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có quy hoạch hệ thống thủy lợi.
Đây là cơ hội để các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi giúp chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và thích ứng biến đổi khí hậu.