Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, quy định… Tuy nhiên tại nhiều địa phương, công tác này chưa đạt chỉ tiêu đề ra do những lý do khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ công bố thành lập Đảng bộ Công ty TNHH YI DA Việt Nam. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)
Lễ công bố thành lập Đảng bộ Công ty TNHH YI DA Việt Nam. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

Đảng bộ tỉnh Phú Thọ là một trong số ít đơn vị trong cả nước, thời gian qua tích cực triển khai công tác này và đạt nhiều kết quả. Tỉnh ủy Phú Thọ rút ra một số bài học kinh nghiệm, kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong phát triển đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Kiên trì, bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo

Tháng 10/2022, Đảng bộ Công ty TNHH YI DA Việt Nam, 100% vốn nước ngoài, được thành lập trực thuộc Huyện ủy Cẩm Khê với 77 đảng viên, sinh hoạt tại 3 chi bộ. Đây là đảng bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có số lượng đảng viên lớn nhất được thành lập của tỉnh Phú Thọ.

Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Bí thư Đảng ủy cho biết, ngay sau khi thành lập, Đảng ủy công ty tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng chương trình làm việc, quy chế phối hợp hoạt động với Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Bằng sự gương mẫu, đi đầu của đảng viên, Đảng bộ đã góp phần giúp công ty ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được uy tín cao đối với Ban Giám đốc doanh nghiệp, đồng thời chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Để thành lập được đảng bộ trong Công ty TNHH YI DA Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn là một quá trình kiên trì, bền bỉ nhưng rất linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy đảng huyện Cẩm Khê. Kiên trì và thường xuyên, liên tục nhất phải kể đến là công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt đối với người lãnh đạo, chủ các doanh nghiệp. Để tạo chuyển biến tư tưởng của chủ doanh nghiệp Công ty TNHH YI DA Việt Nam, các ban, ngành, tổ chức của huyện nhiều năm kiên trì gặp gỡ trao đổi, thuyết phục.

Có những lúc tưởng chừng bất lực, nhưng nhờ sự bền bỉ “mưa dầm thấm lâu”, không ngừng đổi mới hình thức tiếp cận, tuyên truyền, không những chủ doanh nghiệp Công ty TNHH YI DA Việt Nam và nhiều chủ doanh nghiệp khác trong huyện đã hiểu hơn và đồng ý thành lập tổ chức đảng. Huyện ủy Cẩm Khê chủ động đổi mới cách tạo nguồn, phương pháp bồi dưỡng lý luận, thí điểm sinh hoạt chi bộ trực tuyến...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê, Bùi Xuân Vĩnh chia sẻ, để thuận tiện cho các quần chúng ưu tú tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, Huyện ủy chỉ đạo không nhất thiết tổ chức liên tục các ngày trong tuần mà linh hoạt tổ chức vào các buổi tối, hoặc ngày nghỉ; ưu tiên học viên tự nghiên cứu thêm tại nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên qua hình thức online. Với cách làm này, hai năm qua, Huyện ủy đã bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho gần 140 đối tượng quần chúng ưu tú là công nhân.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, Bùi Đình Thi, sớm nhận thức công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, nên ngay từ nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 21/8/2015 về “Củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”.

Sau 5 năm triển khai, công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong khu vực này có chuyển biến tích cực nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Xác định đây là nhiệm vụ khó, cần kiên trì, bền bỉ, vì vậy trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 36-NQ/TU, tháng 8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU về tiếp tục tăng cường xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trong đó, 5 giải pháp mang tính đột phá được làm rõ là: đổi mới công tác tuyên truyền; đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đoàn thể trong doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế đặc thù. Phương châm thực hiện là linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Sau hai năm triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TU, đến nay toàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập mới được 28 tổ chức đảng với 250 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nâng số tổ chức đảng tại khu vực này lên 227 chi, đảng bộ với tổng số 3.875 đảng viên (tăng 26 tổ chức đảng và 219 đảng viên so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết).

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban với nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Từ chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai, thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐUK, về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới và Hướng dẫn việc thí điểm sinh hoạt cấp ủy và chi bộ bằng hình thức trực tuyến đối với các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tính đặc thù. Các đảng bộ địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đồng loạt triển khai các giải pháp được làm rõ tại Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Sau hai năm triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TU, đến nay toàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập mới được 28 tổ chức đảng với 250 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nâng số tổ chức đảng tại khu vực này lên 227 chi, đảng bộ với tổng số 3.875 đảng viên (tăng 26 tổ chức đảng và 219 đảng viên so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết). Với kết quả này, Phú Thọ được đánh giá là một địa phương có nhiều bứt phá trong công tác phát triển đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của các tỉnh phía bắc.

Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động

Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại các địa phương thời gian qua có chuyển biến theo hướng tích cực. Từ năm 2020 đến nay, số đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được kết nạp đạt hơn 14.500 đảng viên và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, kết quả như vậy chưa tương xứng. Số lượng đảng viên mới kết nạp còn ít so với nguồn hiện có.

Từ thực tiễn sau triển khai 2 nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Tỉnh ủy Phú Thọ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết, Tỉnh ủy nhận định cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, xác định phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, xuyên suốt hằng năm và cả nhiệm kỳ của các cấp ủy, đơn vị; từ đó tập trung chỉ đạo, điều hành nghiêm túc, bài bản. Cần phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp trong giúp tập thể lãnh đạo cấp ủy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị.

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cũng là một kinh nghiệm của các cấp ủy, tổ chức, đơn vị tỉnh Phú Thọ trong công tác này. Huyện ủy Hạ Hòa đánh giá, do nhận thức của từng nhóm đối tượng khác nhau nên cần có những phương thức khác nhau để tuyên truyền. Đối với chủ doanh nghiệp, bên cạnh tăng cường giải thích, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao vị thế, tiếng nói của tổ chức đảng tại các đơn vị.

Từ thực tế số lượng đảng viên tại các doanh nghiệp còn ít, chưa tương xứng, Huyện ủy Cẩm Khê đề xuất giải pháp mở rộng đối tượng tạo nguồn. Không chỉ tạo nguồn trong các doanh nghiệp mà cần chuẩn bị nguồn ngay tại khu dân cư. Cần đón đầu bằng phát hiện nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng ngay tại các khu dân cư, có thể là lực lượng tại chỗ, bộ đội xuất ngũ hay học sinh, sinh viên. Đây sẽ là lực lượng đảng viên quan trọng, bổ sung kịp thời cho các tổ chức đảng.

Qua báo cáo tại các địa phương trong tỉnh Phú Thọ cho thấy, một số tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế phối hợp với chủ doanh nghiệp dẫn đến còn lúng túng, bị động; hiệu quả hoạt động ở một số tổ chức đảng, đoàn thể còn mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao. Nguyên nhân do nhiều quy định về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức đảng chưa thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế.

Một đặc điểm quan trọng của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là thường xuyên làm việc theo ca, kíp. Do vậy, Tỉnh ủy Phú Thọ đã thí điểm cho một số doanh nghiệp đặc thù tiến hành sinh hoạt cấp ủy và chi bộ bằng hình thức trực tuyến. Kết quả cho thấy khá phù hợp và được nhiều tổ chức đảng đánh giá cao.

Tuy nhiên, tại Hướng dẫn số 03-HD/TW, ngày 27/12/2022 của Ban Bí thư về “thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên” chưa đề cập đến loại hình tổ chức đảng này. Nhiều tổ chức đảng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Phú Thọ kiến nghị được áp dụng hình thức sinh hoạt này.

Cũng theo Tỉnh ủy Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có gần 11.500 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký thành lập (hằng năm trung bình tăng 12%). Nhưng các doanh nghiệp này phần lớn có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Công nhân ở đây phần lớn là lao động phổ thông, thu nhập thấp, đời sống khó khăn.

Việc nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp cũng là giải pháp tạo động lực trong thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức đảng.

Việc nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp cũng là giải pháp tạo động lực trong thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức đảng. Tỉnh ủy Phú Thọ kiến nghị Trung ương nghiên cứu, sớm có cơ chế để hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp này. Sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy cơ sở; chế độ phụ cấp đối với cán bộ đảng, đoàn thể, tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở; về tỷ lệ trích đảng phí để lại chi bộ, nhất là đối với các tổ chức đảng trong khu vực này.

Đại hội XIII của Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Số lượng các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, lực lượng công nhân, người lao động tham gia làm việc tại khu vực này ngày càng đông đảo.

Tổng kết thực tiễn, tìm ra khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước góp phần cùng chủ doanh nghiệp đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động cần được các cấp ủy của tỉnh tập trung giải quyết hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đề ra.