Chú trọng phát triển đảng viên
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho kinh tế loại hình này phát triển, trong đó có việc khuyến khích phát triển đảng ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” đã thể hiện rõ nội dung cốt lõi của yêu cầu trong công tác xây dựng Ðảng.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2020 đến 2023, tổng số đảng viên được kết nạp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là 14.521 đảng viên. Trong đó, 16 tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên, tổng số đảng viên mới kết nạp là 2.363 đảng viên, chiếm 16,27% tổng số đảng viên được kết nạp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. So với tổng số đảng viên mới trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ở khu vực, đảng viên trong công ty cổ phần chiếm hơn 69%; doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 17%; công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm hơn 12%; công ty hợp danh là 3 đảng viên; doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm hơn 1%...
Thời gian qua, các cấp ủy trong Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp thiết thực thành lập tổ chức đảng, cũng như tạo nguồn phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Lãnh đạo Ðảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho biết: Ðể thực hiện tốt công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, Ðảng ủy đã chú trọng chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động nắm bắt thông tin, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ðây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác củng cố, nâng cao năng lực của tổ chức đảng, tạo nguồn và phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Những kết quả đạt được về phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ở các tỉnh, thành phố trong khu vực miền trung-Tây Nguyên thời gian qua là nhờ các cấp ủy chủ động rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng đảng viên mới kết nạp còn ít so với nguồn hiện có. Việc phân công, theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Ðảng còn lúng túng, nhiều nơi thiếu quan tâm, không có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nên việc tạo nguồn chưa hiệu quả, kết nạp đảng viên mới gặp khó khăn...
Nâng cao năng lực của tổ chức đảng
Bí thư Ðảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị Ðỗ Thị Lý cho biết: Tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã góp phần xác lập nền tảng hạt nhân chính trị ở cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với doanh nghiệp.
Trong chương trình phối hợp “Ðồng hành cùng doanh nghiệp” giai đoạn 2021-2025 của Ðảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp đã xác định mục tiêu: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trên mọi lĩnh vực và trong tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, trong đó có các loại hình doanh nghiệp.
Phát huy vai trò là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp của tổ chức đảng và đảng viên, là cầu nối giữa Ðảng với đoàn viên, hội viên và người lao động. Ðảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị phấn đấu, trong giai đoạn 2021-2025 thành lập 5 tổ chức cơ sở đảng và phát triển 45 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước...
Thời gian tới, để công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước thật sự phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, cấp ủy và đoàn thể cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thấy được vai trò, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội và phát triển đảng viên, hội viên, đoàn viên trong doanh nghiệp.
Cấp ủy cần tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá đúng thực chất năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong từng loại hình doanh nghiệp; những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức hoạt động; công tác bồi dưỡng kết nạp đảng viên, hướng dẫn nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp; xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy-ban giám đốc-hội đồng quản trị và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp; tiếp tục khảo sát, hướng dẫn các doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập tổ chức đảng ở những nơi có đủ điều kiện; phối hợp chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên là công nhân, người lao động đang sinh hoạt ở nơi cư trú về doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng ở những nơi đủ điều kiện...