Phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại

Chiều 9/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (9/7/1994-9/7/2024), với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng lẵng hoa chúc mừng đại diện Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tại Lễ kỷ niệm
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng lẵng hoa chúc mừng đại diện Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tại Lễ kỷ niệm

Theo Viện trưởng Khoa học Đo đạc và Bản đồ Nguyễn Phi Sơn, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Viện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành một đơn vị nghiên cứu khoa học mạnh, có đội ngũ cán bộ giàu nhiệt huyết, luôn hướng đến đổi mới sáng tạo.

Cụ thể: Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Viện đã thực hiện thành công hàng trăm đề tài nghiên cứu, tạo nền tảng khoa học, dữ liệu quan trọng cho sự phát triển của ngành đo đạc bản đồ, địa chính. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn như xây dựng các mạng lưới tọa độ, trọng lực quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý, phục vụ quản lý đất đai, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Viện cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đo đạc bản đồ. Viện đã tích cực hội nhập quốc tế thông qua việc tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học lớn, tạo dựng uy tín và vị thế ngày càng cao của ngành đo đạc bản đồ Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại ảnh 1

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ

Đặc biệt, Viện đã trở thành đơn vị tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ tiến sĩ về đo đạc bản đồ, góp phần phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cho lĩnh vực đo đạc - bản đồ và cho ngành tài nguyên và môi trường. Các chương trình đào tạo sau đại học của Viện luôn gắn với nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, nhà khoa học của Viện đã đạt được như: Nghiên cứu cơ sở dữ liệu trường trọng lực toàn cầu, lưới trắc địa động lực độ chính xác cao, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý Việt Nam- Lào- Campuchia, hệ thống bản đồ cơ bản 1:1.000.000 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ đo đạc, bản đồ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên nhiều phương diện như tăng cường vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xác định quy mô sử dụng đất hợp lý đối với hộ gia đình, nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các doanh nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về đo đạc bản đồ cho Bộ cũng như các bộ, ngành có liên quan, tập trung vào các mảng trắc địa cao cấp và trắc địa ảnh- viễn thám, bản đồ và GIS.

Phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại ảnh 2

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh gợi mở Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng chương trình hành động cụ thể để nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ mới về đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Trong đó, ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại để tham gia xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo phương châm “Đúng- Đủ- Sạch- Sống” phục vụ các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường và làm nền tảng quan trọng, cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, cần ưu tiên, chú trọng nghiên cứu các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong hoạt động đo đạc và bản đồ để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; mở rộng việc tham gia và ứng cử vào các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.

Mặt khác, Viện cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ ngành kỹ thuật trắc địa - bản đồ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về đo đạc bản đồ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành có liên quan; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ tại các bộ, ngành, địa phương; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về đo đạc và bản đồ. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng; tạo lập môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương và phát huy tự do sáng tạo của mỗi người trong nghiên cứu khoa học.