Hoa hồi hay hồi là sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... thị trường tiêu thụ rộng. Hoa hồi Lạng Sơn là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU).
Nâng tầm giá trị hoa hồi
Từ trước đến nay, huyện Văn Quan luôn được coi là “Vương quốc hồi”, với diện tích rừng hồi hơn 14.000 ha. Vào mùa thu hái hồi, đến với mỗi thôn bản, mỗi ngọn đồi có rừng hồi đều thoang thoảng hương hồi nồng nàn, trầm ấm xen lẫn gió đại ngàn. Anh Nông Văn Be, ở thôn Đông B, Yên Phúc (Văn Quan) chia sẻ: Năm nay, hoa hồi được mùa, được giá. Hoa hồi phơi khô có giá từ 130 nghìn đến 140 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ 20 tấn hoa hồi tươi thu 500 triệu đồng/năm. Nhờ có hoa hồi, gia đình anh đã xây dựng được nhà ở kiên cố, sắm được các tiện nghi đắt tiền.
Hoa hồi khi hái về, được phơi khô, để tư thương đến tận nhà thu gom. Chị Chu Thị Hạnh, thương lái thu mua hồi, phố Điềm He 2 (Văn Quan) chia sẻ: Để nâng cao giá trị hồi, từ năm 2017, gia đình chị đã đầu tư lò sấy hồi bằng hơi, tăng công suất lên hơn 10 lần so với phơi sấy thủ công. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình thu mua, xuất khẩu hơn 100 tấn hồi.
Ngoài thị trường Trung Quốc, chị Hạnh ký kết hợp đồng xuất khẩu hồi sang Ấn Độ và khu vực Trung Đông... Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan còn có 20 cơ sở chế biến, xuất khẩu hoa hồi. Trong đó có cơ sở của ông Linh Văn Kha, thôn Chợ Bãi 2 (xã Yên Phúc), xuất khẩu hồi đi Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu.
Nhờ nâng cao chất lượng hoa hồi, mở rộng thị trường tiêu thụ, nên giá trị sản phẩm hồi tăng cao. Năm 2019, giá hồi tươi đạt từ 22.000 đồng/kg đến 24.000 đồng/kg thì hiện nay đạt từ 35.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg.
Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan, đa số tư thương thu mua hồi về chế biến sấy khô rồi xuất khẩu hoa hồi khô, chỉ có duy nhất gia đình anh Nông Văn Tú ở thôn Nà Hầy, xã Bình Phúc, đã mạnh dạn đầu tư chế biến tinh dầu hồi, xuất khẩu sang các thị trường khắt khe hơn về chất lượng. Anh Tú chia sẻ: Tôi đã hơn 40 năm gắn bó với nghề chưng cất tinh dầu hồi. Trước đây trong thôn có hàng trăm hộ chuyên chưng cất tinh dầu hồi, bằng phương pháp nấu thủ công. Vào mùa thu hái cả làng quê, lò chưng cất hoa hồi đỏ rực ngày đêm. Nay cảnh đó không còn, vì nấu thủ công rất tốn kém mà chất lượng tinh dầu không cao.
Cuối năm 2019, gia đình anh đầu tư hơn một tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu hồi chạy bằng điện. Theo anh Tú, hệ thống chưng cất hoa hồi mới này có công suất lớn, mỗi mẻ nấu được 100 lít tinh dầu hồi, sản lượng tinh dầu nhiều hơn, chất lượng bảo đảm hơn. Hiện, sản phẩm tinh dầu hồi của anh Nông Văn Tú đã được chứng nhận OCOP 4 sao, được xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Bí thư Huyện ủy Văn Quan Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Từ năm 2016, huyện ban hành Đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016-2020 với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ. Hiện nay toàn huyện phát triển được hơn 400 ha hồi hữu cơ.
Các hộ dân ở Điềm He 2, Văn Quan (Lạng Sơn) phơi, tuyển chọn hồi cho các cơ sở thu gom hồi xuất khẩu. |
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục các giải pháp, huy động mọi nguồn lực trong phát triển sản xuất, hỗ trợ về cây giống, vật tư phân bón cho các mô hình, các chương trình mục tiêu phát triển; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định...
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Nhờ có chính sách phát triển cây hồi của tỉnh, nên gần đây nhiều công ty trong và ngoài nước đã đến đặt hàng và thu mua hoa hồi với số lượng lớn.
Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Quả hồi và tinh dầu hồi Lạng Sơn” từ năm 2007 và được công nhận là Top 10 đặc sản thiên nhiên tốt nhất của Việt Nam; tỉnh đã phát triển được ba sản phẩm OCOP từ hoa hồi.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Đại
Từ năm 2020 đến nay, chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU), thì thị trường hoa hồi của tỉnh có nhiều khởi sắc, khẳng định uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế. Nếu như trước đây, người trồng hồi thường chịu cảnh được mùa mất giá, mỗi ki-lô-gam hoa hồi khô chỉ vài chục nghìn đồng thì từ năm 2022 đến nay, giá hồi khô được duy trì ổn định từ 130 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg.
Thời gian qua, ngành Công thương của tỉnh triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm hoa hồi xứ Lạng trên thương trường quốc tế. Nhiều đối tác nước ngoài biết và tìm đến, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn càng ngày khẳng định được chỗ đứng trên trường quốc tế. Hiện nay, bên cạnh thị trường Trung Quốc (tỷ trọng xuất khẩu hoa hồi lớn nhất) thì sản phẩm hồi Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức...
Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn (Aforex) (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng) cho biết: Mỗi năm, công ty thu mua hơn 1.000 tấn hồi tươi của nông dân trên địa bàn tỉnh để chế biến và xuất khẩu sang Ấn Độ, Dubai, Anh...
Trong đó, khoảng 80% là xuất sang thị trường Ấn Độ. Đối với những thị trường khác, công ty đẩy mạnh quảng bá như đưa các sản phẩm tinh dầu hồi, gia vị hữu cơ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nước rửa bát, xà-phòng quế hồi... vào các siêu thị tại một số nước trên thế giới. Để có được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, công ty đặt hàng người dân chú trọng khâu canh tác, thu hái và tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với 700 ha hồi trên địa bàn tỉnh.
Đối với cây hồi, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển và duy trì ổn định diện tích cho thu hoạch đến năm 2030 khoảng 35.000 ha và thực hiện các giải pháp chăm sóc, nâng cao năng suất đối với 24.000 ha; thực hiện chăm sóc, quản lý rừng hồi theo tiêu chuẩn rừng sản xuất hữu cơ để tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để cải tạo, phát triển, nâng cao năng suất, sản phẩm cây hồi...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được hai chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô hơn 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn. Các công ty này thu mua hơn 3.000 tấn hồi tươi/năm để chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác nước ngoài, các công ty còn quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon… Nhờ áp dụng các giải pháp về thủ tục pháp lý, nâng cao năng suất, chất lượng mà sản phẩm hồi của tỉnh Lạng Sơn đã đáp ứng được những quy định khắt khe của các thị trường khó tính với hàng trăm quy định từ quy trình canh tác, thu hái đến chế biến, bảo quản.
Từ đây, sản phẩm hồi không còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc mà vươn ra khắp thế giới, điều này giúp ổn định đầu ra, nâng cao giá bán sản phẩm. Theo thống kê của tỉnh tính riêng năm 2022, sản lượng thu hoạch ước đạt 13.000 tấn hồi khô và giá trị thu về khoảng 1.500 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021 sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn có giá trị xuất khẩu 31 triệu USD tương đương với sản lượng xuất khẩu khoảng 3.500 tấn hồi khô.
Lạng Sơn xác định hồi là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, giúp người dân trong tỉnh nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Tỉnh đang từng bước nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững loại cây đặc sản này, góp phần khẳng định thương hiệu của hoa hồi Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.