Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển đất nước

NDO - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới mang tính bền vững, bao trùm hơn trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh và khó lường, đòi hỏi ngoại giao kinh tế phải phát huy được vai trò tiên phong của mình để thu hút nguồn lực bên ngoài cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu phát triển.

Thực hiện các đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh

Ngày 21/12, tại Phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đặt câu hỏi: Làm thế nào để ngoại giao kinh tế có thể phát huy tốt vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay như đã đề ra trong Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030?

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để trả lời câu hỏi này, đầu tiên cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, đó là thu hút nguồn lực bên ngoài nhằm thực hiện các đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học-công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển đất nước ảnh 1

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII và Chỉ thị số 15-CT/TW, qua đó tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế, về quan điểm thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, về chủ trương lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ, nhiệm vụ tiếp theo cần tập trung phát huy cao nhất những lợi ích tích cực của những hoạt động ngoại giao đã được thực hiện như kết quả các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hình thức ngoại giao mới đã được triển khai như ngoại giao kinh tế số, ngoại giao khí hậu, ngoại giao công nghệ…

Ngoài ra, hướng các hoạt động ngoại giao trong thu hút các nguồn lực bên ngoài để thực hiện các đột phá chiến lược cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh vào những lĩnh vực có tính thiết thực, cấp thiết và mang tính dẫn dắt đối với phát triển đất nước; gắn chặt với nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về các xu hướng phát triển kinh tế mới; kinh nghiệm của các nước trên thế giới về hoàn thiện thể chế; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.

Thêm vào đó, cần tiếp tục phát huy cao nhất các trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; ngoại giao của các cấp, các ngành, địa phương để thu hút đa dạng các nguồn lực bên ngoài về cả tài lực, vật lực, nhân lực và trí lực, có chọn lọc cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, thí dụ như nguồn vốn FDI chất lượng cao, công nghệ xanh, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh, vốn ODA xanh…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Khẳng định đây là giai đoạn phát triển mang tính bền vững, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, nếu phát huy tốt vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh sẽ góp phần giúp đạt được các mục tiêu kể trên.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển đất nước ảnh 3

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Dưới góc độ ngành, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư và nghị quyết của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu rõ gồm: mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông-lâm-thủy sản; tận dụng các nguồn lực phục vụ phát triển con người; xúc tiến quảng bá các sản phẩm hội nhập quốc tế; thúc đẩy các hình thức hợp tác mới; truyền thông, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản; tham mưu, hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiện nay, thông tin kết nối giữa ngành ngoại giao và nông nghiệp đặc biệt nhanh chóng, liên tục, xuyên suốt, đa dạng thông tin về các thị trường nông sản tiềm năng, xu thế biến động của thế giới, các cam kết trên toàn cầu… để ngành nông nghiệp có thêm căn cứ quan trọng, qua đó kịp thời ghi nhận, điều chỉnh, đáp ứng những chuyển động của thế giới.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu lúa gạo và ngành hàng này có liên hệ chặt chẽ với ngoại giao. Sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 vừa diễn ra tại Hậu Giang đã giúp lúa gạo Việt nâng tầm về chất lượng, quy mô, tầm cỡ. Cây lúa, gạo Việt Nam trở nên gần gũi hơn với các đối tác quốc tế.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao đa phương đón chào thêm một người bạn đồng hành mới - đó là ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng.

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển đất nước ảnh 5

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về phần mình, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cùng các bộ, ngành liên quan, ngành công thương đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành ngoại giao trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong đó, nổi bật là hai ngành đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tham mưu với Chính phủ đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác lớn, tiềm năng, giúp các doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trụ cột xuất khẩu, cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các FTA đã ký kết; đồng thời chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng và phù hợp các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.

Trong đó, việc thâm nhập thành công thị trường Halal có ý nghĩa rất quan trọng, bởi quy mô thị trường Halal toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, dự kiến khoảng 10 nghìn tỷ USD vào năm 2028, trong khi Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển đất nước ảnh 6

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trước yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, với nỗ lực và quyết sách đúng đắn, ứng phó kịp thời, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiếp tục đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới.

Việt Nam hiện có khoảng 38.700 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 460 tỷ USD từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng là các quốc gia, nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế uy tín như S&P, Fitch Ratings, HSBC, Standard Chartered… đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò cũng như sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan trong nước, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại với cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp kịp thời, thường xuyên, chặt chẽ với các hiệp hội, tập đoàn lớn của nước ngoài trong các lĩnh vực trụ cột tạo sự tăng trưởng đột phá bao gồm chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, đối mới sáng tạo, hydrogen xanh, trung tâm tài chính... với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.

Các địa phương khi thực hiện xúc tiến đầu tư cần bám sát quy hoạch, định hướng phát triển, có sự phối hợp thông suốt, hiệu quả trong tổng thể xúc tiến đầu tư quốc gia, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau, làm triệt tiêu hiệu quả, không tạo thành sức mạnh tổng thể.

Bộ Ngoại giao cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kết nối, xây dựng mạng lưới tri thức về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, từ đó tạo nguồn lực trí thức dồi dào, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.

back to top