Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, qua giám sát tại sáu quận, huyện về việc thực hiện Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho thấy, các cấp ủy địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt về trách nhiệm của đảng viên ở nơi cư trú và vai trò của Mặt trận trong giám sát cán bộ, đảng viên. Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã chủ động triển khai giám sát, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình.
Tăng cường sự giám sát của nhân dân
Việc theo dõi, giám sát của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã giúp cấp ủy, chính quyền có đủ cơ sở để thực hiện đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, tổ dân phố cũng thể hiện tốt vai trò trong theo dõi, giám sát thường xuyên đảng viên tại địa phương, không chờ tới cuối năm mới có nhận xét.
Phát huy vai trò giám sát đảng viên tại nơi cư trú
Mặt khác, hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú cũng giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định, phát huy tinh thần gương mẫu, đồng thời vận động gia đình, người thân và nhân dân cùng thực hiện nghiêm chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khu dân cư đoàn kết, văn minh.
Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều nơi, sự gắn bó với nơi cư trú của một số đảng viên còn chưa thường xuyên và chặt chẽ. Có nơi, đảng viên đang công tác chỉ liên hệ với cấp ủy nơi cư trú khi có việc cần, nhất là lúc lấy giấy nhận xét để nộp cho tổ chức đảng đang sinh hoạt.
Có nơi, đảng viên chỉ xuất hiện để điểm danh và thực hiện một số nghĩa vụ nhất định ở các kỳ sinh hoạt chứ không dự họp, không tham gia các hoạt động cụ thể...
Ở chiều ngược lại, một số ít cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ, đúng ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Quy định 213-QĐ/TW và Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT, việc cập nhật danh sách đảng viên giới thiệu đến và đi còn chưa kịp thời.
Việc đánh giá, nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên ở nơi cư trú một số nơi còn mang tính nể nang, châm chước; chưa mạnh dạn, thẳng thắn góp ý, phê bình và kịp thời thông báo đến cấp ủy nơi công tác đối với những đảng viên chưa tích cực hoặc không tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú.
Trong khi đó, một số địa bàn dân cư, tổ dân phố có số cán bộ, đảng viên đông, cán bộ Ban Công tác Mặt trận ít, cho nên việc giám sát, nhận xét chưa sát thực tế... Bà Nguyễn Thị Yên, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kính Nỗ (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) chia sẻ, thôn có 67 đảng viên hai chiều, song địa bàn thôn lại đan xen và cách xa nhau, trong khi Trưởng ban Công tác Mặt trận chỉ có hơn 10 người.
“Thành viên của Ban Công tác Mặt trận thường là trưởng các chi hội đoàn thể trong thôn, cho nên chủ yếu tập trung ở các khu đông dân cư, ít người ở những khu lẻ. Do đó, chưa nắm bắt hết đảng viên cư trú tại các khu dân cư, nhất là ở khu dân cư không tập trung. Hiện thôn đang tăng cường việc giám sát của nhân dân đối với các đảng viên hai chiều, nhất là từ những người có uy tín để khắc phục hạn chế nêu trên” - bà Nguyễn Thị Yên cho hay.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn đồng bộ
Quản lý 56 đảng viên hai chiều, ông Nguyễn Hữu Bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 3 (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) thẳng thắn chia sẻ: Đóng góp của đảng viên hai chiều đối với khu dân cư chủ yếu là bằng việc ủng hộ các loại quỹ phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn, chưa tích cực góp ý kiến cho các vấn đề của khu dân cư.
Chính vì vậy, việc nhận xét, đánh giá đối với đảng viên hai chiều tại địa bàn dân cư số 3 cao nhất chỉ mới hoàn thành tốt, chưa có đảng viên nào được đề nghị biểu dương khen thưởng.
Chúng tôi rất mong các đồng chí đảng viên tiên phong đóng góp các ý kiến, đề xuất để giải quyết một vấn đề dân sinh trên địa bàn, tuy nhiên là chưa có.
Ông Bằng cho biết.
Cho rằng cấp ủy đảng nơi đảng viên công tác chưa coi trọng công tác nhận xét đảng viên tại nơi cư trú, ông Bằng mong muốn, sau khi nhận được nhận xét của nơi cư trú thì đơn vị sẽ có hồi âm lại để tránh tình trạng ở nơi công tác thì tốt, mà ở nơi cư trú lại chưa tốt hoặc ngược lại; đồng thời cùng phối hợp giúp đảng viên phấn đấu trưởng thành và thực hiện tốt nghĩa vụ nơi cư trú.
Ở huyện Đông Anh hiện có 180 đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm nhiệm Trưởng ban Công tác Mặt trận. Ông Đỗ Ngọc Bích, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đông Anh cho biết, đây là điều kiện thuận lợi giúp cho việc thực hiện Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT trên địa bàn huyện được hiệu quả.
Tuy nhiên, việc nhiều Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn trong việc lập phiếu nhận xét theo Hướng dẫn 30 khi một số Trưởng ban Công tác Mặt trận thường chỉ chủ trì tổ chức hội nghị đánh giá nhận xét đảng viên và lập sổ theo dõi, chứ không lập phiếu nhận xét đối với từng đảng viên.
“Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tăng cường tổ chức các hội nghị tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát của Mặt trận nói chung và việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên nơi cư trú nói riêng tới cán bộ Mặt trận các cấp” - ông Đỗ Ngọc Bích kiến nghị.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Lâm Hoàng Anh Tú cũng đề xuất Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố xây dựng cẩm nang quy trình giám sát, nhận xét cho Ban Công tác Mặt trận để thống nhất thực hiện, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, nhận xét đảng viên nơi cư trú, phát huy vai trò là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy cơ sở đánh giá, phân loại đảng viên hiệu quả.