Phát huy vai trò giám sát đảng viên tại nơi cư trú

Việc giám sát và nhận xét đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú (gọi tắt là đảng viên sinh hoạt hai chiều) là kênh thông tin quan trọng giúp cho cấp ủy đánh giá, phân loại, kiểm tra đảng viên trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội làm việc với huyện Đông Anh về việc thực hiện Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội làm việc với huyện Đông Anh về việc thực hiện Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT trên địa bàn.

Với việc tăng cường trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận, việc giám sát và nhận xét đảng viên tại nơi cư trú chặt chẽ, hiệu quả hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đảng viên.

Bài 1: Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Việc thực hiện Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội giúp công tác đánh giá, nhận xét đảng viên nơi cư trú trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả, thực chất.

Sau Quy định số 76-QÐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”, ngày 2/1/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 213-QĐ/TW “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”.

Trong đó, đối với việc nhận xét đảng viên hằng năm ở nơi cư trú, quy định mới tăng thêm tính dân chủ khi mở rộng thành phần họp cho ý kiến về đảng viên gồm cả Ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố.

Hiệu quả và thực chất hơn

Thực hiện công tác giám sát, xây dựng đảng, ngày 28/10/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân nơi cư trú. Theo đó, Trưởng ban Công tác Mặt trận sẽ phát phiếu tự đánh giá tới đảng viên sinh hoạt hai chiều.

Mẫu phiếu này gồm sáu nội dung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Trên cơ sở phiếu tự đánh giá của đảng viên, Ban Công tác Mặt trận sẽ họp, mời trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố nhận xét rồi mới thống nhất kết quả giám sát, đánh giá đối với đảng viên.

Với sự sát sao này, việc đánh giá đảng viên nơi cư trú ở nhiều nơi được thực hiện hiệu quả, có nhiều hình thức linh động phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), đảng viên nào có biểu hiện không tốt ở nơi cư trú, người dân địa phương sẽ phản ánh ngay.

“Trên cơ sở nhóm Zalo cộng đồng phòng, chống Covid-19 trước đây, Ban Công tác Mặt trận thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố và địa phương. Công nghệ số được áp dụng vào việc giám sát, cho nên phản ánh của người dân được xử lý rất nhanh chóng, thuận lợi” - ông Nguyễn Tuấn Đôn, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Lâm cho biết và nhận định, Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội là cẩm nang quan trọng đối với việc giám sát đảng viên hai chiều, rất phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tại thôn Đản Dị (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh), vai trò của trưởng ngõ đối với việc đánh giá, nhận xét đảng viên nơi cư trú được đặc biệt coi trọng.

Trước cuộc họp cuối năm, Chi ủy sẽ họp với các trưởng đoàn thể và trưởng ngõ, lấy ý kiến tới từng đảng viên trên các tiêu chí, nhất là việc đảng viên tham dự họp đủ các cuộc họp, tích cực đóng góp ủng hộ về tinh thần và vật chất cho địa phương.

Bà Hoàng Kim Liên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đản Dị cho biết: Năm 2022, thôn có một đảng viên được nhận xét chưa nêu gương trong thực hiện chủ trương của thành phố và địa phương liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4.

Sau khi nhận được bản đánh giá của chi bộ nơi cư trú, đồng chí Bí thư Chi bộ nơi đảng viên công tác đã về cơ sở gặp cấp ủy và được trao đổi làm rõ lý do.

Gắn kết với địa phương

Là địa bàn rộng, số đảng viên hai chiều đông (149 người) và luôn biến động, nhưng việc giám sát đảng viên hai chiều tại địa bàn dân cư số 4, phường Thành Công, quận Ba Đình vẫn đạt hiệu quả cao.

Ông Trịnh Đức Long, Trưởng ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 4, cho biết: Khi có ý kiến của nhân dân hoặc thành viên Ban Công tác Mặt trận về đảng viên hoặc gia đình đảng viên chưa gương mẫu trong các phong trào thi đua, đại diện Ban Công tác Mặt trận sẽ gặp gỡ, trao đổi ngay với đảng viên đó để chấn chỉnh kịp thời.

Đến nay, số đảng viên được Ban Công tác Mặt trận giám sát, nhận xét đều không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; trách nhiệm ở nơi cư trú ngày càng được phát huy.

“Việc kết nối giữa các thành viên Ban Công tác Mặt trận với các đảng viên sinh hoạt hai chiều được gắn bó hơn, không như trước đây có đảng viên không biết đến tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, thậm chí là các hộ dân chung quanh nơi cư trú, dẫn đến việc đảng viên ít đóng góp về tinh thần, vật chất đối với các phong trào, hoạt động của địa phương” - ông Long cho biết.

Phát huy vai trò, tính nêu gương của đảng viên ở nơi cư trú, thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân vào Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận, xã Mai Lâm thành phường, ông Nguyễn Đức Hiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Du Nội đã họp với 49 đảng viên sinh hoạt hai chiều trên địa bàn nhằm quán triệt Đề án để đảng viên thông suốt, tán thành chủ trương và vào cuộc một cách trách nhiệm, tuyên truyền trong gia đình.

Kết quả, toàn bộ 1.565 cử tri của thôn đều nhất trí với chủ trương của thành phố. Đề án được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua sau đó đã tạo sự phấn khởi, vui mừng trong đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tại nhiều địa phương, Ban Công tác Mặt trận và các thành viên của tổ dân phố thường xuyên bố trí thời gian để lắng nghe dư luận nhân dân phản ánh những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày, thái độ ứng xử của cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn; coi đây là cơ sở để Ban Công tác Mặt trận gặp gỡ, trao đổi thông tin với cán bộ, đảng viên đang sinh sống trên địa bàn và có ý kiến nhận xét hằng năm.

(Còn nữa)