Trao Giấy khen Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc cho các tập thể và cá nhân có thành tích nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trên địa bàn thành phố Châu Đốc. (Ảnh: BQL)
Trao Giấy khen Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc cho các tập thể và cá nhân có thành tích nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trên địa bàn thành phố Châu Đốc. (Ảnh: BQL)

Phát huy vai trò của điểm du lịch tâm linh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Những năm gần đây, du lịch tâm linh - loại hình du lịch tập trung vào việc khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu những địa điểm có giá trị tôn giáo, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được đông đảo người dân ưa chuộng.
Khám phá văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ

Thống kê của các tour lữ hành, những điểm du lịch tâm linh thu hút đông khách đến chiêm bái và trải nghiệm hiện nay có thể kể đến Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh),…

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Khu du lịch quốc gia Núi Sam với các cụm di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng như Miếu Chúa Xứ Núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền được coi là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của vùng. Trong đó, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc dưới chân núi Sam được đánh giá là một trong những danh thắng, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ của tỉnh An Giang mà còn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm thu hút hàng triệu lượt người đến chiêm bái, tham quan.

Phát huy vai trò của điểm du lịch tâm linh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ảnh 1

Người dân nô nức về dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. (Ảnh: BQL)

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một kiến trúc nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống dân tộc và hiện đại với tổng thể hài hòa, cân đối. Công trình được xây dựng theo bố cục hình chữ Quốc, hình khối tháp kiểu hoa sen nở, nền lát gạch bông, tường đá ốp lát, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật Á Đông. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được Tổ chức Việt Nam xác lập 2 kỷ lục vào ngày 25/5/2008 là ngôi miếu lớn nhất Việt Nam và Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam.

Hằng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ diễn ra từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch gồm nhiều hình thức lễ tiết cổ truyền trọng thể, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ, thể hiện bản sắc, sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm, với phần lễ và phần hội đặc sắc như: lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế, lễ Hồi sắc….

Khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế từ du lịch tâm linh

Chia sẻ về Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức tại địa phương mình, đại diện lãnh đạo thành phố Châu Đốc cho biết: “Chương trình lễ phục hiện xây dựng trên những cứ liệu sinh động về thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, sự giao lưu, hội nhập về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo. Thông qua chương trình, chúng tôi muốn du khách trong và ngoài nước hiểu sâu sắc ý nghĩa truyền thuyết độc đáo của địa phương. Qua đó, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút du khách gần xa về thành phố Châu Đốc tham quan, du lịch”.

Phát huy vai trò của điểm du lịch tâm linh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ảnh 2

Tiết mục khai hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm 2024 và Kỷ niệm 10 năm Lễ hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. (Ảnh: BQL)

Tính đến tháng 11/2023, miếu Bà đã đón hơn 5 triệu lượt khách, so với năm 2022 tăng 17,49%. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương khi đến tham quan, chiêm bái Miếu Bà Chúa Xứ, ông Nguyễn Phúc Hoan, Trưởng Ban quản trị Lăng miếu núi Sam, cho biết công tác bảo đảm an ninh trật tự tại đây luôn được chú trọng, nhất là thời điểm diễn ra lễ hội. Ban quản trị Lăng miếu núi Sam tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, tăng cường kiểm tra an ninh trật tự không để vấn nạn chèo kéo, bói toán, bán hàng rong chặt chém du khách; chấn chỉnh tệ nạn ăn xin; phát loa và treo băng-rôn để cảnh báo du khách…

Ông Nguyễn Phúc Hoan chia sẻ, thời gian tới, Ban quản trị tiếp tục tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên và người lao động nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. Phối hợp các ngành truyền thông, quảng bá, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn giữ gìn, phát huy, phát triển giá trị vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội do Ban quản trị Lăng miếu núi Sam quản lý, tổ chức đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tiếp tục thực hiện vai trò chủ động của Ban quản trị Lăng miếu núi Sam theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc trong lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành những chủ trương phù hợp với yêu cầu tình hình mới trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử.

Bên cạnh đó, thực hiện thêm những sản phẩm mới trong lĩnh vực văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử để phục vụ khách thập phương; công tác tài chính, nguồn thu công đức tại Ban quản trị Lăng miếu núi Sam được công khai, minh bạch, theo đúng quy định của Nhà nước.

Phát huy vai trò của điểm du lịch tâm linh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ảnh 3

Chuẩn bị nghi lễ rước tượng Bà. (Ảnh: BQL)

Nhằm phục vụ du khách thập phương ngày một tốt hơn, Ban quản trị khu du lịch quốc gia Núi Sam đã phát hành tài liệu tuyên truyền, trong đó công khai các số điện thoại đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ khách du lịch như trạm y tế, hướng dẫn viên, xe điện, nhà hàng, điểm ATM,...

Tài liệu tuyên truyền cũng đưa ra khuyến cáo về những điều du khách không nên làm, trong đó đáng chú ý là các khuyến cáo: không tham gia vào hoạt động mê tín dị đoan; không mua nhang, đèn, muối, gạo của các đối tượng bán dạo; không mua và thả chim phóng sinh; không nhận lộc của các đối tượng đeo bám; không nhờ các đối tượng đeo bám ghi cầu an.

Tài liệu tuyên truyền khuyến khích người dân cần tố giác các trường hợp kinh doanh, sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch trái quy định của pháp luật, đồng thời hợp tác với cơ quan Công an để xác minh làm rõ và xử lý.

Lan tỏa bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế

Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội cấp Quốc gia. Đến năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2022, Việt Nam đã gửi hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát huy vai trò của điểm du lịch tâm linh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ảnh 4
Hội thi “Thả đèn Hoa Đăng” - Chuỗi hoạt động chào mừng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024. (Ảnh: BQL)

Năm 2023, tại Diễn đàn giao lưu kinh tế và văn hóa Việt Nam-Ấn Độ, tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ), Lăng miếu núi Sam được UNESCO công nhận danh hiệu "Điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương" với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng đến gần hơn với du khách, bạn bè quốc tế. Giải thưởng do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) trao tặng.

Sự ghi nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang, trở thành Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

back to top