Trong khi các mặt hàng tốp đầu vẫn duy trì giá trị, sản lượng cao như: Xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 4,4 tỷ USD; xuất khẩu cá tra đạt 2,2 tỷ USD, dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt 2,5 tỷ USD... thì năm nay, dự báo có một mặt hàng hoàn toàn mới gia nhập "câu lạc bộ tỷ đô" là cá ngừ. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ mang về 890 triệu USD, tăng 50% so cùng kỳ và dự kiến cả năm sẽ đạt hơn một tỷ USD... Với kết quả này, đến cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt hơn 10 tỷ USD, mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường quốc tế. Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.
Tuy vậy, xâu chuỗi cả một năm mới thấy con đường tăng trưởng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam trong năm 2022 không hoàn toàn bằng phẳng, thuận lợi mà có khá nhiều trồi sụt bất thường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, sau khi lập hàng loạt kỷ lục về tổng kim ngạch xuất khẩu, bước sang tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 970 triệu USD và giảm 4% so với tháng 6/2022 và xu thế giảm tiếp tục kéo dài đến đầu quý III/2022.
Có một số nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản giai đoạn này gặp khó: Trước hết, các doanh nghiệp thủy sản phải gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng. Từ "tắc cảng" do đại dịch Covid-19 và giá nhiên liệu xăng, dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng từ 4-5 lần.
Mặt khác, do giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm 2022 khiến từ 40-50% số tàu khai thác hải sản nước ta nằm bờ, dẫn đến nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh cho nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến. Chưa hết, một khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận. Tính tới tháng 11/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.
Vì vậy, để tốc độ xuất khẩu không đi xuống và cuối năm ngành thủy sản đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, ngay từ đầu quý III/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành đồng bộ nhiều nhóm giải pháp: Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
Riêng về công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản đã chuẩn bị kế hoạch, kịch bản kỹ lưỡng làm việc với đoàn thanh tra EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam hồi cuối tháng 10/2022 và tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.
VASEP cũng đã đồng hành, tiếp sức các doanh nghiệp thủy sản như kiến nghị xem xét hạn mức tín dụng, lãi suất; thu thập các đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp tôm để chuyển đến cơ quan liên quan, nhằm rút ngắn thời gian nhất làm sao người nuôi tôm cải thiện tỷ lệ nuôi thành công, qua đó sẽ giảm giá thành tôm nuôi, góp phần tăng sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam...
Trên cơ sở Chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, ngành thủy sản đã bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tăng cao.
Ðặc biệt, ngành thủy sản đang tiến tới cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Ðồng thời cũng khuyến nghị doanh nghiệp tích cực đổi mới, tăng cường đa dạng hóa mặt hàng thủy sản chế biến, ngoài các mặt hàng truyền thống là tôm và cá, thì cần chú trọng hơn với các mặt hàng khác như: Hàu, điệp, mực nang, mực ống, bạch tuộc, bào ngư, ốc... nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường quốc tế...