Phát huy hơn nữa vai trò của các cô đỡ thôn, bản

Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay đã có hàng nghìn cô đỡ thôn, bản được đào tạo. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
Cô đỡ thôn, bản tuyên truyền về dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cho phụ nữ xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu).
Cô đỡ thôn, bản tuyên truyền về dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cho phụ nữ xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam ở mức rất cao, vào khoảng 233/100 nghìn trẻ đẻ sống (cao gấp sáu lần thời điểm hiện tại), trong khi đó tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Tương tự, tỷ suất tử vong sơ sinh ở Việt Nam năm 1990 cũng ở mức 44‰, cao gấp hơn bốn lần so với hiện nay.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh cao ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là: Tập quán không đi khám thai, đẻ tại nhà không được cán bộ y tế đỡ đẻ; thiếu thông tin liên lạc; việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là phong tục, tập quán sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ.

Nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi luôn thiếu trầm trọng, hơn nữa, cán bộ y tế xã rất khó có thể thực hiện được những dịch vụ về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn, bản vùng núi cao do điều kiện đi lại khó khăn, thiếu kinh phí và trang thiết bị.

Ngoài ra, sự khác biệt về các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến việc mang thai, sinh con là những yếu tố rất quan trọng làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở các vùng núi cao.

Trên thực tế, cán bộ y tế là người dân tộc Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận tới đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc thù như: H’Mông, Giẻ Triêng, Raglai.

Theo Vụ trưởng Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn: Trước thực trạng nêu trên, từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số cho những vùng còn nhiều khó khăn.

Cô đỡ thôn, bản được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại bản địa, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn, bản. Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là sáu tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế.

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Bộ Y tế, các tổ chức trong nước và quốc tế, đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo.

Cho đến nay chưa bao giờ cô đỡ thôn, bản để xảy ra tai biến nào cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tính đến nay đã có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo ngừng hoạt động tại các địa phương.

Các cô đỡ thôn, bản ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đã mất, già yếu; vùng phụ trách của cô đỡ không còn khó khăn, người dân đều đã tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc thai sản của cơ sở y tế; cuộc sống không bảo đảm, phải đi làm ăn xa để mưu sinh.

Việc các cô đỡ thôn, bản ngừng hoạt động là một sự lãng phí rất lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, phục vụ tại chỗ, liên tục tại những vùng khó khăn, nơi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa thể thường xuyên với tới được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước có 1.549 cô đỡ thôn, bản được đào tạo đang hoạt động trong tổng số 5.111 thôn, bản đặc biệt khó khăn (chiếm 30,31%).

Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Vai trò của cô đỡ thôn, bản đã được ngành y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao. Đội ngũ này chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của trạm y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại cộng đồng ở nước ta hiện nay.

Để tiếp tục duy trì, mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản tại các địa phương, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo để duy trì và phát triển mạng lưới này theo một lộ trình thích hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bố trí nguồn lực, thực thi đầy đủ các chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc đào tạo, sử dụng mạng lưới cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số.

Mặt khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản tại địa phương, bảo đảm lựa chọn đối tượng đào tạo để trở thành cô đỡ thôn, bản đúng địa chỉ, đúng đối tượng; bố trí ngân sách, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát thực thi đầy đủ các chính sách hiện hành đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Phân công cô đỡ thôn, bản phụ trách thêm địa bàn để tăng độ bao phủ cô đỡ thôn, bản tại các vùng khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là tăng cường quảng bá hình ảnh cô đỡ thôn, bản tới cộng đồng; tổ chức các hoạt động biểu dương cô đỡ thôn, bản có thành tích xuất sắc, tạo điều kiện để các cô đỡ thôn, bản có thể giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên, liên tục.