Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến:

Đừng hiểu sai lệch khái niệm sinh đẻ “thuận tự nhiên”

NDO -

NDĐT – Sinh “thuận tự nhiên” không có nghĩa là tự sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn để bảo đảm cuộc sinh nở an toàn cho cả mẹ và con.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Đó là quan điểm của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến sau những trào lưu đang gây xôn xao dư luận những ngày qua như sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà, không cắt rốn ngay sau sinh, anti vaccine, cuồng tín sữa mẹ… của hội những bà mẹ bỉm sữa. Đỉnh điểm là sự việc một bà mẹ sinh con ở Hưng Yên khoe trên mạng xã hội hình ảnh chậu nhau thai đặt cạnh đứa trẻ chưa cắt rốn gây sự hoang mang trong dư luận.

Thế nào là “thuận tự nhiên”?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế khẳng định, không nên hiểu sinh con tự nhiên, tức là đợi đến ngày chuyển dạ, con tự sinh ra mà không có sự can thiệp của bất kể nhà chuyên môn nào. Đây là hiểu biết hoàn toàn sai lầm. Hiện không có tổ chức y tế trong và ngoài nước nào khuyến cáo bà mẹ sinh con mà không có sự can thiệp và giúp đỡ từ y tế.

Vậy, khái niệm này được hiểu thế nào cho đúng? Thứ trưởng nói “trong trường hợp thuận lợi, phải để cho người phụ nữ sinh tự nhiên. Chỉ trong trường hợp không sinh được tự nhiên thì mới can thiệp bằng thủ thuật hay bằng cách mổ lấy thai. Tuy nhiên, một lần nữa tôi phải khẳng định rằng, dù sinh tự nhiên (sinh thường) thì vẫn phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa, có bác sĩ chuyên khoa để thực hiện sinh đẻ. Hiện có trường hợp sản phụ sinh thường theo lẽ tự nhiên được, nhưng người nhà và sản phụ lại cứ yêu cầu bác sĩ phải mổ. Như vậy là đang can thiệp vào quá trình sinh tự nhiên của sản phụ”.

PGS.TS Nguyễn Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sản phụ khoa tôn trọng tự nhiên sinh lý cuộc chuyển dạ, bắt đầu từ việc cổ tử cung mở dần dần. Con so sẽ chuyển dạ từ 14-24 tiếng, con rạ chuyển dạ trong 8-12 tiếng.

“Sản khoa luôn để các bà mẹ chuyển dạ tự nhiên, không kích chuyển dạ. Chúng tôi tôn trọng tự nhiên như sinh thường, cho da kề da, cho bú sớm. Nhưng trong và sau cuộc đẻ thường, cũng rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế để cắt tầng sinh môn, khâu tầng sinh môn cho bà mẹ không bị sa sinh dục, giảm tỷ lệ viêm nhiễm, chảy máu gây băng huyết hay nhiễm trùng rốn trẻ. Nếu cuộc đẻ khó như bà mẹ khung chậu hẹp, vỡ xương chậu, ngôi bất thường, thai to… thì chúng tôi phải chủ động can thiệp, hỗ trợ cháu bé ra đời an toàn và được chăm sóc y tế ngay sau khi ra đời” – BS Quyết nói.

BSCKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh nói, ngành y tế luôn khuyến khích sinh con thuận theo tự nhiên, nhưng không có nghĩa là để mặc sản phụ sinh không có kiểm soát.

Thế giới và Việt Nam cũng luôn khuyến cáo, các bà mẹ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi có bầu, các bà mẹ cần phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi suốt thai kỳ để có những tư vấn trước cuộc sinh nở nên sinh thường hay sinh mổ. Khi sản phụ nhập viện, quá trình sinh hoàn toàn diễn ra tự nhiên nhưng khi có những bất thường xảy ra, các bác sĩ sẽ nhanh chóng can thiệp để tránh xảy ra tránh biến chứng gây nhiễm trùng, băng huyết.

Cần lên án mạnh mẽ những thông tin phản khoa học

Ngành sản khoa phải chống năm tai biến sản khoa có thể xảy ra gồm chảy máu, nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung, uốn ván rốn. Thành tựu của ngành y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em những năm gần đây là không để xảy ra các ca tử vong do sinh nở. Nhờ tiến bộ y khoa, hiện nay, các sản phụ mắc bệnh lý như tim, thalassemia, các bệnh viêm gan… hoàn toàn có thể sinh 2-3 con khỏe mạnh.

Những trường hợp đẻ rơi trước khi kịp vào cơ sở y tế, BS Quyết cho biết, bệnh viện phải xử trí theo phác đồ giống như một đứa trẻ bị nhiễm khuẩn. Nghĩa là phải điều trị bằng kháng sinh chống uốn ván, kiểm tra mẹ xem có sang chấn sinh dục không để khâu cho mẹ, siêu âm xem còn sót rau trong tử cung không để can thiệp kịp thời.

Đừng hiểu sai lệch khái niệm sinh đẻ “thuận tự nhiên” ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Phân tích về hành động của một bà mẹ ở Hưng Yên tự sinh con tại nhà, không cắt rốn ngay, da kề da liên tục bốn giờ đồng hồ, PGS.TS Nguyễn Bá Quyết cho biết đó là một hành động phản khoa học. “Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, nhau thai chỉ để sáu tiếng ngoài trời là hoại tử. Nếu đứa bé không được cắt rốn sớm, sẽ có nguy cơ nhiễm trùng máu, gây tử vong” – TS Quyết nói.

Tại cơ sở y tế về sản khoa lớn nhất phía nam là Bệnh viện Từ Dũ, hiện có một số thai phụ từ chối không cho phép nhân viên y tế thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, kể cả những mũi tiêm đầu đời rất quan trọng như tiêm phòng lao, viêm gan siêu vi hay tiêm vitamin k.

“Tiến bộ y khoa mang lại sự chăm sóc cho đứa trẻ tốt hơn, chủng ngừa một số bệnh nguy hiểm. Việc các bà mẹ không tiêm vaccine, từ chối chích ngừa, kể cả những chích ngừa vitamin có lợi như vitamin k – phòng chống tai biến mạch máu não cho trẻ. Những tuyên truyền đó hoàn toàn sai trái” – bà Mỹ Nhi nói.

Trước đây, nhiều lần ngành y tế phải đối mặt với những làn sóng nuôi con có những thông tin trái chiều và tiêu cực với y học hiện đại như phản đối tiêm vaccine, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 4-5 tuổi, nhỏ sữa mẹ vào mắt chữa bệnh mắt cho con… Những ngày qua, thông tin sinh con “thuận tự nhiên” không cắt rốn, không tiêm phòng, không có can thiệp y tế cho mẹ và bé ngay khi chào đời… một lần nữa khiến ngành y tế phải lên tiếng.

“Tôi khuyên mọi người khi nghe thông tin phải xem xét thông tin đó có phải xuất phát từ các nhà có chuyên môn, đủ độ tin cậy hay không. Còn những người phát ra thông tin mà không đủ độ tin cậy, thì phải hết sức thận trọng để không ảnh hưởng đến sức khỏe” – GS.TS Nguyễn Viết Tiến một lần nữa nhấn mạnh.