Phát huy hiệu quả mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, bộ máy Chính phủ đã có sự điều chỉnh theo hướng tinh gọn, từng bước khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả để ngày càng năng động, đổi mới cả về tổ chức và hình thức, phương thức hoạt động theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước thu gọn đầu mối, thể hiện mạnh mẽ tinh thần của một Chính phủ kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, nội dung này chưa được nghiên cứu để luật hóa thành nguyên tắc trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ trong Luật Tổ chức Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành không có quy định trực tiếp nguyên tắc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng trong thực tế đã trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ, tạo sự chủ động cho Chính phủ trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Nhìn chung, từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII đến khóa XV, phần lớn các bộ, cơ quan ngang bộ đều được tổ chức theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi một nhiệm vụ chỉ do một bộ chịu trách nhiệm chính trong triển khai thực hiện. Thông qua đó, tạo điều kiện để giảm số lượng các cơ quan của Chính phủ, từng bước khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Hiện nay, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội đặt ra đòi hỏi Chính phủ phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong dự báo các tình huống phát triển để kịp thời có phản ứng chính sách thích hợp, duy trì đà phát triển, tranh thủ tốt thời cơ, vượt qua các thách thức. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, phục vụ việc xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI, nhiệm kỳ 2026-2031 với trọng tâm là hoàn thiện các quy định về tổ chức của Chính phủ để tạo khung pháp lý sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng tổ chức và hoạt động của một số cơ quan lại đang được điều chỉnh tại các luật chuyên ngành; các quy định về loại hình tổ chức, cơ chế hoạt động giữa các cơ quan thuộc Chính phủ còn thiếu tính thống nhất, cần được nghiên cứu, hoàn thiện về phạm vi và mối quan hệ giữa các ngành, lĩnh vực để sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ bảo đảm phù hợp.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các nguyên tắc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng mở để đổi mới tổ chức hoạt động với tính chất là cơ quan thực thi chính sách, hoạt động độc lập với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, cần gắn chặt chẽ với yêu cầu hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ phù hợp yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động quản lý nhà nước. Bổ sung quy định đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường số; bổ sung các quy định về cách thức, phương thức hoạt động của Chính phủ, mối quan hệ hành chính giữa Chính phủ và chính quyền địa phương bảo đảm phù hợp sự phát triển khoa học-công nghệ.