Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với bảy nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ và năm nội dung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại Luật Tổ chức Chính phủ, căn cứ chủ trương, định hướng của Đảng và tổng kết thực tiễn, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung, như: Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; sửa đổi quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương; bổ sung quy định về phân cấp của Chính phủ trong việc quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, gồm năm nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung, như một số điều, khoản liên quan việc thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND và UBND các cấp; khuyến khích nhập các đơn vị hành chính và tinh gọn thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.
Sau khi lấy ý kiến, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tập hợp để trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp năm 2019.