Phát huy hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

Trong những năm qua, hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã giúp các thành viên hợp tác xã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ cao... vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Hưng Yên trồng cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP.
Nông dân tỉnh Hưng Yên trồng cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP.

Sau hơn 7 năm thành lập, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ; giúp các thành viên hợp tác xã liên kết, duy trì vùng nhãn đặc sản.

Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng Trần Văn Mý cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có hơn 40 ha trồng nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP; trong đó, 30 ha trồng nhãn ứng dụng hệ thống, tiêu chuẩn OTAS. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch 200-300 tấn nhãn quả. Sản phẩm nhãn của hợp tác xã được liên kết xuất bán tại một số siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh.

Nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng mở rộng phát triển nuôi thả cá lồng trên sông Hồng, đến nay, duy trì nuôi thả 16 lồng cá với nhiều loại cá đặc sản như: trắm, chép giòn, diêu hồng… Năm 2021, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng liên kết với Công ty cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà, tỉnh Thái Bình sản xuất cây dược liệu ngắn ngày. Bằng nhiều giải pháp tích cực, đa dạng hóa sản phẩm, mỗi năm doanh thu trung bình của Hợp tác xã đạt hơn 5 tỷ đồng, thu nhập của thành viên đạt từ 300-500 triệu đồng/năm.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở tỉnh Hưng Yên đã thay đổi theo hướng sản xuất, kinh doanh phải gắn với thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất. Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, xã Tống Trân là mô hình điểm ở huyện Phù Cừ trong việc thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong trồng và sản xuất dưa lưới, dưa chuột, ớt chuông; nhờ đó, sản phẩm của hợp tác xã từng bước có đầu ra ổn định.

Anh Bùi Văn Phương, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: Hợp tác xã có khoảng 10.000 m2 nhà màng sản xuất các sản phẩm dưa lưới, dưa chuột, ớt chuông… Ðể sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường, hợp tác xã đã áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt, thân thiện với môi trường.

So với cách làm cũ, mô hình canh tác áp dụng công nghệ cao trong nhà màng cho năng suất cao hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích dưa lưới, dưa chuột của hợp tác xã được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn. Doanh thu trung bình mỗi năm của hợp tác xã đạt gần 3 tỷ đồng.

Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát tích cực tham gia chương trình OCOP nhằm khẳng định và nâng cao giá trị sản phẩm. Ðến nay, hợp tác xã có sản phẩm dưa vàng được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, sản phẩm dưa chuột được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hợp tác xã tiếp tục mở rộng sản xuất, duy trì áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng thêm sản phẩm OCOP, mở rộng diện tích nhà màng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn đang có 390 hợp tác xã nông nghiệp và 556 tổ hợp tác đang hoạt động. Trong đó, có 280 hợp tác xã trồng trọt, 42 hợp tác xã chăn nuôi, 21 hợp tác xã thủy sản, 47 hợp tác xã nông nghiệp lĩnh vực tổng hợp. Tổng số thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp là 9.750 thành viên, bình quân 25 người/hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2023, tổng doanh thu của 390 hợp tác xã nông nghiệp đạt hơn 789 tỷ đồng, bình quân 2 tỷ đồng/hợp tác xã nông nghiệp. Lợi nhuận bình quân mỗi hợp tác xã nông nghiệp đạt 260 triệu đồng.

Phần lớn hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên có vai trò chủ đạo trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm; nhất là việc xây dựng các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, OTAS, xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP... Sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp ngày càng đa dạng phong phú, với 104 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP đạt từ 3 sao trở lên (92 sản phẩm đạt 3 sao; 12 sản phẩm đạt 4 sao). Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho các hợp tác xã cũng như người lao động.

Ðể tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã, vai trò của kinh tế tập thể, tổ hợp tác trong nền kinh tế nhiều thành phần; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã; thực hiện các cơ chế, chính sách giúp cho hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, thực hiện các chính sách nhằm đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp về lao động, khoa học công nghệ, tài chính, tín dụng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng…

Tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các hợp tác xã mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ưu tiên phát triển các hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng hóa.