Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

Từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Nước ở công trình Rào Nan đủ cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất ở vùng nam thị xã Ba Đồn.
Nước ở công trình Rào Nan đủ cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất ở vùng nam thị xã Ba Đồn.

Hiện tại, nắng nóng đang diễn ra gay gắt trên diện rộng, tuy nhiên các công trình thủy lợi ở Quảng Bình đã phát huy tốt vai trò cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu.

So với các địa phương khác trong khu vực miền trung thì công trình thủy lợi ở Quảng Bình tương đối nhiều (153 hồ chứa và 193 đập thủy lợi) nhưng quy mô nhỏ. Tổng dung tích các công trình thủy lợi toàn tỉnh khoảng 500 triệu mét khối nước. Điều ghi nhận là công trình hồ chứa phân bố khắp tỉnh, tạo thành mạng lưới liên hoàn, thuận lợi trong việc cung cấp nguồn nước.

Hiện tại, nắng nóng đang diễn ra gay gắt trên diện rộng, tuy nhiên các công trình thủy lợi ở Quảng Bình đã phát huy tốt vai trò cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu.

Được xem là công trình đại thủy nông của tỉnh Quảng Bình, hồ chứa nước Rào Đá ở huyện Quảng Ninh nhiều năm qua cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho những cánh đồng lúa của hai huyện lúa trọng điểm; đồng thời còn giúp làm dịu mát những vùng đồi núi vốn khô như rang mỗi khi mùa hè tới, hình thành nên nhiều làng quê trù phú ở vùng đồng bằng ven biển phía nam tỉnh.

Một ngày cuối tháng 5, mới khoảng 8 giờ mà nắng đã rát lưng, gió Lào ràn rạt thổi vào mặt. Chúng tôi vượt dốc Ma Nang vào thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh để tìm hiểu sự chuyển mình đi lên của vùng đất khó này kể từ sau khi hồ Rào Đá hoàn thành.

Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi ảnh 1

Nông dân huyện Quảng Ninh, Quảng Bình thu hoạch lúa đông xuân.

Đang vào mùa gặt lúa đông xuân, trên những cánh đồng vàng ruộm quanh làng, người dân đang tất bật đưa lúa về nhà phơi. Trưởng thôn Rào Đá Trần Công Huyền cho biết, Rào Đá vốn là làng kinh tế mới, những năm đầu thành lập, diện tích đất sản xuất rộng nhưng thiếu nước, người dân chỉ làm lúa rẫy, trồng sắn, ngô để mưu sinh. Từ khi có nguồn nước, người dân Rào Đá mở rộng diện tích trồng lúa, trồng màu với gần 30ha cho năng suất cao, sản lượng khá cao.

So với các địa phương khác trong khu vực miền trung, công trình thủy lợi ở Quảng Bình tương đối nhiều (153 hồ chứa và 193 đập thủy lợi) nhưng quy mô nhỏ. Tổng dung tích các công trình thủy lợi toàn tỉnh khoảng 500 triệu mét khối nước.

Có nhiều người còn dựa vào hồ Rào Đá để mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản trong lòng hồ, có thêm thu nhập cho cuộc sống. Nhờ làm lúa nước, phát triển chăn nuôi và trồng rừng mà thôn Rào Đá hiện chỉ còn bốn hộ nghèo trong tổng số 140 hộ.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, Trần Đức Thuận, khi chưa có hồ Rào Đá, gần như vụ lúa hè thu ở huyện Quảng Ninh đều không canh tác được vì thiếu nước. Một số ít diện tích mà bà con vẫn xuống giống và tận dụng mọi nguồn nước trong ao, hồ cũng chỉ cầm cự được sang tháng 7 là hạn hán trơ gốc. Làng quê ở phía tây nam huyện Quảng Ninh cũng khô cong dưới nắng nóng và gió phơn.

Điều đó cho thấy, vai trò cực kỳ quan trọng của công trình thủy lợi Rào Đá đối với đời sống và sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Ninh. Bây giờ, hồ chứa nước Rào Đá cung cấp đầy đủ nguồn nước tưới cho hàng nghìn héc-ta lúa/hai vụ của các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; bảo đảm nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn người dân huyện Quảng Ninh.

Mặt khác, hồ chứa này còn góp phần tạo ra nguồn nước ngầm phong phú để làm xanh tươi thung lũng Rào Đá của xã miền núi Trường Xuân và nhiều làng quê ở huyện Quảng Ninh.

Ở tỉnh Quảng Bình gần đây có một dự án thủy lợi lớn nhận được sự quan tâm của Trung ương, các ngành, các cấp tại Quảng Bình và đông đảo nhân dân trong suốt quá trình triển khai thực hiện, đó là công trình hệ thống thủy lợi Rào Nan.

Được thiết kế với công nghệ hiện đại, công trình thủy lợi Rào Nan ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao giá trị sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn, Nguyễn Văn Khánh cho biết, đầu năm 2023 khi công trình thủy lợi Rào Nan vừa hoàn thành đã phát huy tác dụng trong việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, điều mà chính quyền và người dân ở vùng nam thị xã luôn lo lắng mỗi khi vào vụ hè hằng năm. Hiện nay, mức nước tích tại công trình đã đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân và nước tưới cho hơn 1.800ha đất trồng lúa và nuôi thủy sản của thị xã Ba Đồn. Công trình này là đập dâng tự tràn cho nên vừa góp phần cắt giảm lũ cho khu vực thấp trũng nhưng cũng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do không phải xả lũ.

Những ngày đầu hè, đến thăm công trình Rào Nan, trước mắt chúng tôi không chỉ là công trình thủy lợi lớn, được xây dựng với kiến trúc, kiểu dáng đẹp đang dần trở thành địa chỉ check-in cho nhiều người.

Trong niềm vui chung đó, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn Mai Trung Kiên chia sẻ, công trình thủy lợi mới chắc chắn sẽ đóng góp to lớn trong hành trình đổi mới của đất và người vùng nam Ba Đồn, trong đó có xã đầu nguồn Quảng Sơn.

5 năm gần đây, nước cho sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực dân cư tập trung, vùng trọng điểm lúa vào mùa khô hạn hằng năm luôn được bảo đảm. Việc thiếu nước chỉ xảy ra ở các nơi xa công trình thủy lợi lớn hoặc hồ chứa nhỏ, xuống cấp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Mai Văn Minh cho biết, để phát triển nông nghiệp bền vững thì yêu cầu trước hết và quan trọng nhất là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có các công trình thủy lợi. Những năm qua, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều hồ chứa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhờ thế, 5 năm gần đây, nước cho sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực dân cư tập trung, vùng trọng điểm lúa vào mùa khô hạn hằng năm luôn được bảo đảm. Việc thiếu nước chỉ xảy ra ở các nơi xa công trình thủy lợi lớn hoặc hồ chứa nhỏ, xuống cấp.

Tỉnh Quảng Bình cũng vừa hoàn thành nâng cấp một số hồ chứa thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí gần 278 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đã góp phần nâng cao năng lực cấp nước phục vụ nông nghiệp, giảm nhẹ lũ cho vùng hạ du và cải tạo cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực.