Nâng cấp công trình thủy lợi ở Quảng Bình

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều công trình hoàn thành không chỉ bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ mà tạo ra vùng tiểu khí hậu trong lành và cảnh quan đẹp ở nông thôn.

Công trình thủy lợi mới nâng cấp ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Công trình thủy lợi mới nâng cấp ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập thủy lợi, trong số đó phần lớn là công trình quy mô, dung tích nhỏ, được giao cho chính quyền cơ sở quản lý khai thác. Sau thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, nhất là đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã làm cho nhiều hạng mục của các hồ chứa nước tại Quảng Bình xuống cấp trầm trọng. Hiện tại có hơn 100 hồ chứa, đập tràn bị thấm, nứt, sạt lở nặng. Do vậy, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương cùng với ngân sách địa phương để đầu tư sửa chữa, khắc phục hư hỏng các công trình thủy lợi.

Năm 2021, tỉnh có bảy hồ chứa được nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần tiết giảm lũ bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Trong đó, có những hồ chứa hoàn thành được đánh giá cao cả về chất lượng, mỹ thuật phục vụ tốt cho nhu cầu tưới tiêu; đồng thời tạo ra vùng tiểu khí hậu trong lành cho vùng dân cư. Phú Vinh là hồ chứa nước lớn nhất thành phố Ðồng Hới với dung tích hơn 22 triệu m3 nước. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của thành phố và bảo đảm nước tưới cho gần 1.500 ha lúa, 230 ha màu và 60 ha nuôi thủy sản. Ngoài ra, hồ còn có nhiệm vụ quan trọng là tiết giảm lũ cho Ðồng Hới.

Ðể bảo đảm an toàn hồ chứa, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp công trình. Sau một thời gian thực hiện dự án, hồ Phú Vinh được tu bổ, nâng cấp nhằm tăng tính an toàn và ứng phó hiệu quả hơn trong cắt giảm lũ. Hiện nay, tuyến đập chính công trình dài gần 1,5 km được bê-tông mái thượng lưu vững chắc. Mặt đập đổ bê-tông rộng tạo độ vững bền. Các hạng mục khác cũng được sửa chữa hoàn thiện vừa tạo ra bộ mặt đẹp cho công trình và thuận lợi trong quá trình vận hành.

Nằm ở phía nam của tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy có nhiều hồ chứa nước dung tích vừa và nhỏ sử dụng hàng chục năm cho nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, nguồn ngân sách dành cho sửa chữa, khắc phục hư hỏng của công trình thủy lợi còn hạn chế. Ðể hỗ trợ địa phương này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã lập dự án đầu tư nâng cấp một số hồ chứa nước ở khu vực phía tây của huyện. Sau khi sửa chữa, hồ Thanh Sơn ở xã Thái Thủy như khoác lên mình tấm áo mới. Ðập chính của hồ dài hơn 1 km, uốn lượn qua những triền đồi thoai thoải tạo nên cảm giác khá lãng mạn giữa vùng trời nước mênh mông. Mặt đập lát bê-tông phẳng, mái phía hạ lưu đập xếp đá vững chãi có sức chống chịu với mưa lũ ở vùng đồi núi này. Ðại diện lãnh đạo xã Thái Thủy cho biết, công trình được nâng cấp không chỉ xua tan nỗi lo mất an toàn đập mỗi khi mùa lũ về mà còn tạo điều kiện cho người dân có đường đi lại phục vụ sản xuất, bởi chung quanh hồ là diện tích rừng nguyên liệu rộng lớn của người dân.

Từ hồ Thanh Sơn, chúng tôi đi xuyên qua bạt ngàn rừng keo xanh tốt ở miền tây Lệ Thủy để đến hồ chứa Ðập Làng, xã Mỹ Thủy cũng vừa sửa chữa xong. Người cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết, hồ Ðập Làng có dung tích 2,5 triệu m3 nước tưới cho 110 ha lúa và cấp nước cho 20 ha mặt nước nuôi thủy sản trên địa bàn. Trước đây, do đập chính bị nứt thấm cho nên vào mùa hè, nước trong hồ thường cạn nhanh, mùa mưa thì mất an toàn đập, khiến người dân ở phía dưới đập lo lắng. Sau khi đầu tư cải tạo, dung tích hồ luôn bảo đảm lượng nước phục vụ sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, do nguồn lực địa phương còn hạn chế trong khi thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt cho nên thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa công trình thủy lợi. Trong đó, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Quảng Bình nằm trong danh mục dự án "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập" vay vốn Ngân hàng Thế giới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt gồm hai tiểu dự án. Ðến nay, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã thi công nâng cấp hoàn thành bảy hồ chứa. Việc giải ngân nguồn vốn luôn bảo đảm kế hoạch được nhà tài trợ vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao, đặc biệt là về chất lượng và tiến độ qua các đợt kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa này cũng được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, tạo được không gian, phong cảnh thiên nhiên hữu tình cho các vùng quê.

Phó Giám đốc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình Hoàng Kim Ðại nhấn mạnh thêm, nhiều hồ chứa trước đây bị thấm qua đập, qua cửa cống, lượng nước tích chỉ đạt một nửa, sau khi nâng cấp, lượng nước đều đạt ngưỡng, đáp ứng nhu cầu tưới trong sản xuất nông nghiệp và nguồn nước phục vụ dân sinh. Khâu quản lý, vận hành các công trình cũng thuận lợi hơn khi có đầy đủ thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là tuyến đường vào công trình.

Theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình, hiện đơn vị tập trung thực hiện hoàn thành ba công trình và bổ sung hai hồ chứa nước sử dụng nguồn vốn dự án "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập" để giúp các địa phương gia cố các công trình hồ chứa trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn. Không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, việc đầu tư nâng cấp, tu bổ các công trình hồ chứa còn giúp người dân Quảng Bình yên tâm hơn khi mùa mưa lũ đến.